“Kết nối di sản và thể thao golf: cơ hội và thách thức”

Thứ bảy, 30/11/2024 10:31
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
​(ĐCSVN) – Mặc dù có rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng sự kết hợp rất mới giữa di sản và môn thể thao golf vẫn còn nhiều thách thức cũng như những điểm “nghẽn” cần tháo gỡ nhằm bảo tồn, phát triển di sản, phát triển kinh tế địa phương và thúc đẩy môn thể thao golf phát triển.
Các đồng chí chủ trì tọa đàm. 

Thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và bảo tồn di sản

Ngày 30/11, tại Ninh Bình, Sở Văn hoá và Thể thao Ninh Bình phối hợp với các đơn vị tổ chức Tọa đàm “Kết nối di sản và thể thao golf: cơ hội và thách thức”.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Ninh Bình cho biết:Trong bối cảnh phát triển kinh tế và văn hóa ngày càng gắn kết, việc khai thác tiềm năng từ các môn thể thao hiện đại như Golf để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đang là một hướng đi được nhiều quốc gia quan tâm. Việt Nam, với sự phong phú về di sản thiên nhiên và văn hóa, đặc biệt tại Ninh Bình với đặc trưng có nhiều di sản quý đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng thể thao Golf như một sản phẩm mới, độc đáo, kết hợp giữa thể thao và du lịch di sản.

Mục tiêu của sản phẩm “Golf Di sản” là kết hợp hài hòa giữa môn thể thao Golf và các di sản văn hóa, thiên nhiên tại địa phương, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và bảo tồn di sản. Việc phát triển loại hình du lịch này không chỉ góp phần thu hút du khách quốc tế đến với Ninh Bình mà còn tạo ra một mô hình kinh tế bền vững cho cả cộng đồng địa phương.

“Golf Di sản” không chỉ là một môn thể thao giải trí cao cấp, mà còn mang lại giá trị văn hóa to lớn. Qua đó, nó mở ra cơ hội để quảng bá hình ảnh của các di sản Việt Nam ra thế giới, đồng thời giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương…

 TS Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục du lịch quốc gia Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng, du lịch Golf hiện đang là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Theo đồng chí Vương Duy Biên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc phát triển du lịch Golf tại Việt Nam, đặc biệt tại những vùng có di sản văn hóa, là một hướng đi chiến lược để thu hút khách du lịch quốc tế. Các nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa thể thao Golf và các yếu tố văn hóa di sản sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch có tính bền vững, thu hút những đối tượng du khách có chi tiêu cao và ở lại lâu hơn.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong việc phát triển du lịch Golf gắn liền với di sản, cần có những chiến lược rõ ràng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên.Không  chỉ cần phát triển sân Golf đạt tiêu chuẩn quốc tế mà còn phải gắn liền với những hoạt động khám phá văn hóa, trải nghiệm du lịch di sản để tạo ra sức hấp dẫn bền vững.

TS Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục du lịch quốc gia Việt Nam cũng cho biết thêm, từ năm 2020 đến nay, nhiều chương trình đào tạo chuyên ngành về golf đã được đưa vào giáo dục chính quy, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho ngành du lịch golf. Các khóa đào tạo Cử nhân Thể dục Thể thao chuyên sâu về golf tại Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh và các khóa đào tạo du lịch golf tại Cao đẳng Du lịch Hà Nội từ năm 2024 sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 13 triệu khách du lịch quốc tế, trong đó 1,5 triệu là khách du lịch golf. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, khi Việt Nam ngày càng khẳng định mình là một điểm đến golf hấp dẫn. Sự tăng trưởng của cả thị trường quốc tế và nội địa không chỉ thúc đẩy ngành du lịch golf mà còn đóng góp vào nền kinh tế địa phương, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương. Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng, cơ hội hợp tác quốc tế, và nhu cầu tăng cao đối với du lịch thể thao, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển ngành du lịch golf, biến mình thành một trong những điểm đến golf hàng đầu thế giới.

Ngoài ra các đại biểu cũng cho rằng: Thể thao Golf và bảo tồn di sản tại địa phương Thể thao Golf không chỉ đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là một công cụ hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản địa phương. Tại Ninh Bình, nơi có nhiều di sản quý báu, việc kết hợp giữa Golf và di sản không chỉ mang lại lợi ích về du lịch mà còn giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương với các nhà đầu tư trong việc xây dựng các sân Golf, cơ sở hạ tầng du lịch phù hợp, tạo ra những sản phẩm có tính bền vững về kinh tế và văn hóa.

Các sự kiện Golf quốc tế được tổ chức tại những vùng có di sản sẽ là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa và kinh tế. Sự phát triển của các sân Golf, cơ sở hạ tầng du lịch sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời, nó cũng tạo cơ hội để phát triển các dịch vụ du lịch bổ trợ, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực.

Bằng cách mở rộng hợp tác với các quốc gia có nền tảng vững chắc về thể thao Golf, Ninh Bình có thể thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác nước ngoài trong việc tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp, xây dựng sân Golf đạt tiêu chuẩn quốc tế…Chính những giải đấu Golf Di sản quốc tế sẽ là cầu nối quan trọng giúp quảng bá hình ảnh và giá trị độc đáo của di sản Ninh Bình đến với cộng đồng quốc tế. Đồng thời, các sự kiện này cũng sẽ thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu, tạo đà phát triển du lịch Golf và tăng cường thương hiệu du lịch di sản Việt Nam. Những bước đi chiến lược trong việc hợp tác quốc tế và quảng bá thương hiệu "Golf Di sản" sẽ mang lại những giá trị bền vững cho Ninh Bình, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về sự bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo của địa phương.

Góc tọa đàm. 

Đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn những giá trị di sản quý báu

Tuy nhiên, tại tọa đàm, các đại biểu cũng chỉ rõ bên cạnh những lợi thế chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc quản lý, quy hoạch và bảo tồn di sản khi triển khai các dự án lớn như  sân Golf. Việc tổ chức các giải đấu Golf quốc tế tại các vùng di sản như Ninh Bình cần đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn những giá trị di sản quý báu.

“Khi tổ chức chúng ta cần đặc biệt đảm bảo rằng quá trình phát triển này không làm tổn hại đến môi trường sống của cộng đồng địa phương, không làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống và đảm bảo rằng mọi người dân đều có cơ hội được hưởng lợi từ sự phát triển này”- Đồng chí Vương Duy Biên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục du lịch quốc gia Việt Nam, mặc dù có nhiều tiềm năng song hiện nay du lịch golf Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức cần khắc phục: Mức thuế cao: Thuế tiêu thụ đặc biệt 20% áp dụng cho các dịch vụ liên quan đến golf khiến giá cả cạnh tranh khó khăn hơn so với các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia. Hiện nay phần lớn các công ty du lịch chưa quan tâm, đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển tour du lịch golf, dẫn đến việc chưa khai thác hết tiềm năng thị trường. Sản phẩm du lịch golf tại Việt Nam vẫn còn đơn giản và chưa đa dạng, thiếu các dịch vụ đi kèm như tour trải nghiệm văn hóa, khám phá di sản, mua sắm, và ẩm thực. Thiếu kết nối giữa các thành phần ngành du lịch: Các sân golf, công ty lữ hành, khách sạn, và các điểm tham quan chưa có sự kết nối mạnh mẽ để tạo ra các gói sản phẩm toàn diện cho du khách. Truyền thông về lĩnh vực này còn yếu, chưa được quảng bá rộng rãi và có tính chiến lược. Nhiều cơ hội quảng bá du lịch golf qua các kênh truyền hình và mạng xã hội vẫn chưa được tận dụng hiệu quả. Nhân lực du lịch golf chưa được đào tạo đầy đủ. Sản phẩm du lịch golf còn đơn điệu: Hiện tại, sản phẩm du lịch golf của Việt Nam chưa được đa dạng hóa và vẫn còn khá đơn giản, chủ yếu chỉ tập trung vào các gói chơi golf mà chưa khai thác hết tiềm năng kết hợp với các hoạt động văn hóa, tham quan di sản, hoặc trải nghiệm ẩm thực. Sự thiếu sáng tạo này đã làm giảm sức hấp dẫn của du lịch golf Việt Nam, đặc biệt là so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia. Chưa ứng dụng công nghệ vào du lịch golf….

TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực