Nét văn hóa ẩm thực của đồng bào Mường vùng Tây Bắc

Thứ năm, 28/09/2017 10:40
(ĐCSVN) - Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Mường sinh sống và gắn bó sâu nặng với vùng đất Tây Bắc xa xôi và hùng vĩ. Trong hành trình mưu sinh của mình, đồng bào đã tạo ra kho vốn văn hóa riêng đậm bản sắc, trong đó có văn hóa ẩm thực.
Món ăn của người Mường thường bày trên mẹt. Ảnh: TL

Trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình…, đồng bào Mường chiếm số lượng khá đông đảo. Địa bàn sinh sống của người Mường nơi đây thường gắn với núi, sông suối, nơi họ có thể sống hòa vào thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để mưu sinh. Chính vì yếu tố này, vốn văn hóa ẩm thực của họ cũng ảnh hưởng từ tự nhiên, qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, sinh động của con người mà thành nét độc đáo riêng biệt.

Mặc dù sinh sống ở các địa bàn khác nhau nhưng vốn văn hóa ẩm thực Mường luôn được người dân các vùng gìn giữ, truyền lại và sáng tạo thành những bản sắc Mường mỗi nơi. Chính vì thế, khi chiêm ngưỡng, thưởng thức vốn ẩm thực của mỗi xứ Mường, người ta vừa cảm nhận được nét chung và cái riêng độc đáo.

Ẩm thực của đồng bào Mường Tây Bắc độc đáo ngay từ chất liệu. Để làm nên những món ăn mang đậm bản sắc, người Mường nơi đây thường lấy chất liệu có sẵn trong tự nhiên hay trong vườn nhà như: Cá suối, măng rừng, rau rừng, lá tạo màu ngũ sắc, gà ri, vịt cỏ, gạo nếp, xôi gà gáy….Nhờ thế, các món ăn vừa ngon, vừa đảm bảo độ sạch, tươi và không có sự pha tạp bởi bất kỳ thứ gì.

Để có được nguyên liệu chế biến các món ăn, người Mường phải lặn lội lên rừng, xuống suối để kiếm cho kỳ được. Hình ảnh những sơn nữ mặc trang phục truyền thống, đeo gùi lên rừng, lên đồi hái rau rừng, măng rừng, các loại lá gợi lên vẻ đẹp bình dị nơi xứ Mường.

Món dưa nộm chuối rừng dân dã và mát ngọt của người Mường Tây Bắc. Ảnh: TL

Nét độc đáo của ẩm thực xứ Mường còn thể hiện ở cách chế biến. Với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của con người, các món ăn ở bản Mường được chính con người nơi đây tự tay chế biến. Với đặc thù vùng miền và tập quán sinh sống nên khi chế biến, người Mường Tây Bắc rất chú trọng đến các món như: nướng, luộc, nấu canh... Với người Mường thì đây là ba món truyền thống và sẽ cho vị ngon và sạch nhất.

Vì thế, trong dư vị ẩm thực của người Mường không thể thiếu món cá suối nướng vừa thơm ngọt vừa giòn, món gà ri nướng, món lợn cắp nách nướng và cả những món rau như: Rêu suối gói lá chuối lam trong than hồng…Ngoài ra, người Mường còn có cách đồ, xôi món ăn như: Rau đồ, cá tôm gói lá vả đồ... Điều đặc biệt khi chế biến món ăn, người Mường Tây Bắc luôn tạo nên sự kết hợp tinh tế giữa các món ăn và gia vị. Theo họ, trong tự nhiên và cuộc sống, cần phải có sự hòa hợp mới tạo nên vẻ đẹp và sức mạnh.

Sự đa dạng món ăn đã tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực chỉ có ở xứ Mường Tây Bắc. Chỉ quan sát một mâm cỗ của người Mường đã thấy ăm ắp những món ăn vừa ngon, vừa độc đáo. Nói về đồ mặn không thể không kể đến cá suối nướng, chả lợn cắp nách, gà nướng, cá lam, thịt lợn luộc. Nói đến món rau thì không thể thiếu món rau đồ, măng luộc chấm mẻ, rau sống. Đậm đà dư vị là các món canh như: canh lóng chuối, canh đu đủ hầm xương lợn, canh củ mài…Món xôi phải kể đến xôi ngũ sắc trong chõ gỗ, món bánh dày dẻo thơm, món bánh trôi ngũ sắc. Như thế, trong mâm cỗ của người Mường Tây Bắc với sự đa dạng các món ăn đã tạo nên sự hài hòa về màu sắc, về dư vị và sự thơm ngon.

Nét khác lạ trong món ăn của người Mường Tây Bắc được thể hiện ngay trong nguyên liệu của món ăn. Người Mường có món rau đồ khá độc đáo. Món ăn này kết hợp nhiều loại rau rừng và trong vườn như: Rau đắng, rau lá đốm, quả vả non, rau mã đề, hoa đu đủ đực. Tất cả được rửa sạch, thái nhỏ hỗn hợp rồi cho lên chõ gỗ đồ chín. Khi thưởng thức, món rau này có vị đắng, vị chát, vị ngọt, vị cay cay. Rồi người Mường còn có món chả cuốn lá bưởi độc đáo. Họ dùng lá bưởi non bánh tẻ để cuốn thịt lợn, gà, cá băm nhuyễn nướng trên than hồng. Ngoài ra, còn có món lóng chuối muối dưa, nấu canh cá suối vừa ngọt vừa bổ dưỡng.

Một góc không gian sinh sống của đồng bào Mường vùng Tây Bắc. Ảnh: KC

Người Mường Tây Bắc khi chế biến món ăn rất chú trọng đến các loại gia vị. Họ cho rằng, món ăn có ngon và đậm đà hay không phần nhiều nhờ vào sự kết hợp của các gia vị. Vì thế, khi chế biến món ăn, sự chuẩn bị về gia vị của người Mường khá cầu kỳ. Các gia vị thường được dùng ở xứ Mường được lấy trên rừng như: hạt xẻng, hạt dổi, lá đắng, củ giềng, chuối rừng hoặc kiếm trong vườn nhà như lá cơm nếp ngũ sắc, các loại rau thơm… Khi chế biến, các loại gia vị thường được tẩm ướp trước để cho nguyên liệu được ngấm và tạo nên dư vị đậm đà khi nấu chín.

Đồng bào Mường ở Tây Bắc không chỉ cầu kỳ trong chế biến món ăn mà còn chú trọng cách bày cỗ. Nét đặc trưng trong ẩm thực của người Mường là món cỗ lá. Ít khi dùng bát, người Mường thường dùng mẹt tre, hay mâm gỗ rồi đặt lên vài ba mảnh lá chuối xanh ngắt sau đó mới xếp đồ ăn lên. Các món ăn được xếp hài hòa trong mâm cỗ trên nền màu xanh của lá chuối tạo nên sự hấp dẫn, dân dã và bình dị của cỗ Mường.

Các món ăn của người Mường Tây Bắc không chỉ mang đến vị ngon mà còn là những vị thuốc dân gian được người Mường đúc kết từ bao đời. Các loại lá rau như: rau đốm, mã đề, hoa đu đủ, lá bưởi, lóng chuối, các loại gia vị được người Mường cho là giúp cơ thể khỏe mạnh, điều hòa khí huyết, tiêu hóa và giải cảm rất tốt. Vì vậy, khi chế biến món ăn, người Mường rất quan tâm đến việc kết hợp các loại gia vị, các loại rau quả có sẵn từ thiên nhiên và trong vườn nhà.

Bước vào không gian xứ Mường, trên những ngôi nhà sàn vững chãi bên ven suối, ngồi thưởng thức những món ăn đậm đà dư vị, nhấp chén rượu ngô thơm nồng, chắc hẳn bạn sẽ cảm nhận được nét văn hóa ẩm thực độc đáo được làm nên từ bàn tay và tấm lòng thảo thơm của đồng bào nơi đây./.                                                     

Thế Lượng - Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực