|
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao cờ cho Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 - ông Đặng Hà Việt. (Ảnh: Hải Nguyễn) |
Có thể nói Campuchia trở thành nước chủ nhà đầu tiên trong lịch sử SEA Games làm điều đặc biệt đó là: miễn phí tiền vé, đài thọ toàn bộ chi phí lưu trú, ăn uống và di chuyển nội địa cho các đoàn thể thao dự sự kiện cũng như không lấy tiền bản quyền truyền hình. Quyết định đặc biệt này được Thủ tướng Campuchia Hun Sen đưa ra sau cuộc họp với Ủy ban tổ chức SEA Games 32 và Asean Para Games lần thứ 12, có sự góp mặt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tea Banh và Bộ trưởng Bộ Du lịch Thong Khon.
Campuchia miễn toàn bộ vé xem sự kiện cho khán giả, không thu tiền bản quyền truyền hình không có gì lạ. Tuy nhiên, việc chủ nhà SEA Games 32 miễn toàn bộ chi phí lưu trú, ăn uống và di chuyển nội địa cho các đoàn thể thao tham dự Đại hội năm nay, với mức 50 USD/người/ngày, thật sự là điều bất ngờ.
Nói về điều này, Thủ tướng Hun Sen cho biết: “Chúng tôi không cần tiền đến từ việc bán vé hay bất kỳ quảng cáo nào, tại Campuchia. Nhu cầu của chúng tôi lúc này không phải là tiền từ việc bán vé hay bán quyền quảng cáo, mà thông qua đó muốn để thế giới biết đến Campuchia”.
Thông qua SEA Games 32, Campuchia muốn giới thiệu hình ảnh của đất nước, con người ra với thế giới. Vì thế, họ không quá chú trọng chuyện bán vé, bản quyền truyền hình...
Ông Thong Khon, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban tổ chức SEA Games 32 (CAMSOC), nhấn mạnh: 11 đoàn vận động viên dự SEA Games sẽ không phải chịu bất cứ khoản chi phí nào liên quan đến việc ăn ở, đi lại. Tuy nhiên, những quy định, quy tắc liên quan đến hạn ngạch và thời gian lưu trú sẽ được giữ nguyên.
|
Vận động viên Đinh Phương Thành thay mặt các vận động viên dự SEA Games 32 tuyên thệ. (Ảnh: Hải Nguyễn)
|
Quyết định này và sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen càng khẳng định cam kết của Vương quốc Campuchia trong việc đón tiếp đại gia đình thể thao khu vực và các vị khách quốc tế trong môi trường láng giềng hữu nghị.
Theo ông Vath Chamroeun, Tổng thư ký CAMSOC, qua danh sách có tổng cộng 11.246 vận động viên, huấn luyện viên đăng ký dự SEA Games 32. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 9.000 cán bộ huấn luyện và vận động viên là không phải đóng phí. Ông nói thêm: “Chúng tôi chỉ miễn phí cho ban huấn luyện và các vận động viên trực tiếp tham gia tập luyện và thi đấu, còn những người khác đi cùng họ sẽ phải trả tiền. Chúng tôi vẫn chưa tính toán được cần phải chi bao nhiêu tiền cho việc đó”.
Ước tính, Campuchia phải chi hơn 500.000 USD/ngày để đài thọ cho các đoàn vận động viên nước ngoài đến tham dự Đại hội.
Đại hội tổ chức 48 môn và phân môn với 608 nội dung. SEA Games 32 có sự tham dự của 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á.
Ngoài miễn phí ăn, ở, nước chủ nhà Campuchia cũng tuyên bố miễn phí toàn bộ vé vào xem lễ khai mạc - bế mạc và các cuộc thi đấu tại SEA Games 32.
Bên cạnh đó, theo Ban Tổ chức nước chủ nhà, Campuchia vừa ra mắt bài hát chính thức của SEA Games 2023 với tựa đề Cambodian Pride (Niềm tự hào Campuchia). Ít ngày sau khi đăng tải, MV này đã thu về 50 triệu lượt xem trên Youtube và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng. Bên dưới phần bình luận, rất nhiều lời khen trên các nền tảng mạng xã hội từ khán giả các nước Đông Nam Á về sự đầu tư và chỉn chu trong cả hình ảnh lẫn âm thanh của nước chủ nhà. Trong lịch sử, chưa một bài hát chính thức của SEA Games nào đạt được số lượt xem lớn như vậy trên Youtube. Đây có thể coi là thành công bước đầu của Campuchia trong công tác truyền thông cho SEA Games.
Thông điêp mà Thủ tướng HunSen và Ban tổ chức gửi tới SEA Games 2023 là điều đặc biệt cho các vận động viên, huấn luyện viên cũng như những khán giả Đông Nam Á những ngày qua.
Campuchia có dân số hiện tại là 17.343.132 người, tổng diện tích đất là 176.446 km2, dự kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người gần 2.000 USD và tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6,6% trong năm 2023. Nhưng theo Ban Tổ chức SEA Games 2023, Campuchia đã chi khoảng 200 triệu USD để tổ chức SEA Games 32. Rõ ràng, đất nước này đã có những bước đi được tính toán kỹ càng, trong đó đầu tư cho thể thao là một trong những trụ cột trong quá trình phát triển nền kinh tế văn hóa xã hội, mở rộng đối ngoại, lan tỏa hình ảnh, nâng tầm quốc gia./.