Đá cầu là môn thể thao dân tộc, được đưa vào môn giáo dục thể chất trong các trường phổ thông, cao đẳng, đại học. Phong trào đá cầu phát triển mạnh ở các công viên, đường phố trên cả nước với hơn 40 năm hình thành và phát triển.
Hiện tại, hệ thống thi đấu đá cầu trong nước gồm giải vô địch quốc gia, các giải trẻ và giải câu lạc bộ. Ở Việt Nam, hiện có 15 tỉnh, thành phố có đội tuyển tham dự giải vô địch đá cầu quốc gia diễn ra hằng năm. Lần gần nhất ở giải Đá cầu Vô địch thế giới 2019 diễn ra tại Pháp, đội tuyển Việt Nam đã giành 5 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc. Còn tại đấu trường khu vực, đá cầu cũng đã 2 lần được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 22 và 25.
|
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh trao quyết định thành lập Liên đoàn Đá cầu Việt Nam.
|
Liên đoàn Đá cầu Việt Nam được thành lập với mục đích tập hợp, đoàn kết các tổ chức, công dân Việt Nam trong xã hội, nhằm phát triển phong trào luyện tập, thi đấu, nâng cao thành tích, vị thế của môn Đá cầu trên đấu trường khu vực, châu lục và trên thế giới.
Đại hội đại biểu Liên đoàn Đá cầu Việt Nam lần thứ nhất đã thông qua Điều lệ Liên đoàn gồm 8 Chương, 27 Điều. Theo đó, Liên đoàn hoạt động trên phạm vi cả nước trong lĩnh vực môn Đá cầu theo quy định của pháp luật. Liên đoàn chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực Liên đoàn hoạt động theo quy định của pháp luật. Liên đoàn được xin gia nhập làm thành viên Ủy ban Olympic Việt Nam, Liên đoàn Đá cầu thế giới (ISF), Liên đoàn Đá cầu châu Á (ASF) và các tổ chức Đá cầu quốc tế khác theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế...
Phương hướng hoạt động của Liên đoàn Đá cầu Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027 được thông qua tại Đại hội xác định: Tập hợp, đoàn kết, động viên các thành viên tham gia tập luyện, phát triển phong trào cũng như thành tích môn Đá cầu trong nước; tập trung, chú trọng đến các đối tượng, lứa tuổi trẻ; kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cơ chế, chính sách phát triển môn Đá cầu; tổ chức, quản lý các giải Đá cầu trong hệ thống quốc gia và quốc tế tại Việt Nam theo thẩm quyền; công nhận thành tích thi đấu thể thao, đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài môn Đá cầu theo quy định...
|
Ban Chấp hành Liên đoàn Đá cầu Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027 ra mắt tại Đại hội. |
Phát biểu tại Đại hội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn cho rằng: Các địa phương có môn Đá cầu cần tiếp cận theo hướng thể thao thành tích cao. Ngoài hệ thống Giải Vô địch Quốc gia, Giải Vô địch trẻ Quốc gia, Liên đoàn cần tính toán tổ chức giải ở các cấp độ, đặc biệt là cấp độ CLB. Bên cạnh đó, với đặc thù môn Đá cầu yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật đơn giản, có thể phát triển giải đá cầu theo hướng Festival... Đá cầu có tiềm năng phát triển tốt, trách nhiệm của Liên đoàn là vận động đưa môn Đá cầu vào giải thi đấu quốc tế.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Liên đoàn Đá cầu Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027 gồm 21 thành viên. Ông Nguyễn Văn Tuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Đá cầu Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027; 4 Phó Chủ tịch gồm các ông: Vũ Thái Hồng (Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2, Tổng cục Thể dục thể thao), Bùi Thanh Dũng (Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Thừa Thiên Huế), Nguyễn Trọng Bắc (Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Ngọc Tú (Giám đốc trung tâm Thể thao Quận 5, TP HCM). Ông Mạc Xuân Tùng - phụ trách môn đá cầu, Tổng cục Thể dục thể thao giữ chức Tổng thư ký./.