Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Ban Nữ công và 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, chiều 08/7 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và biểu dương cán bộ nữ công tiêu biểu lần thứ 3, năm 2024. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo..
|
Các cán bộ nữ công công đoàn tiêu biểu chia sẻ tại Hội nghị |
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, từ khi thành lập và trong suốt quá trình phát triển, tổ chức Công đoàn luôn quan tâm tới công tác vận động nữ đoàn viên, người lao động. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp Công đoàn cả nước. Và ngược lại, những kết quả đạt được của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn 95 năm qua có sự đóng góp quan trọng, mang dấu ấn đậm nét của đội ngũ nữ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động.
Các cấp công đoàn tích cực tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật, đề xuất, kiến nghị chính sách đặc thù bảo đảm quyền lợi lao động nữ, tập trung vào lĩnh vực việc làm, đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, tiền lương, chế độ thai sản, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19....; Các hoạt động cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và học tập của con công nhân, viên chức, lao động được duy trì, có những đổi mới, đặc biệt chính sách về nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân, lao động tại các khu công nghiệp có chuyển biến tích cực với sự vào cuộc chủ động của tổ chức công đoàn.
Việc thành lập, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng được đẩy mạnh. Đến nay, cả nước có gần 80 nghìn ban nữ công quần chúng, việc thành lập ban nữ công công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đạt tỷ lệ trên 80%, vượt 10% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra. Các hoạt động chăm lo cho nữ đoàn viên, người lao động, xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc được nhân rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ đoàn viên, người lao động có nhiều đổi mới, bám sát thực tiễn lao động, sản xuất, công tác với nội dung, tiêu chí được cụ thể hóa, phù hợp với từng khu vực, ngành, nghề, đơn vị, thu hút đông đảo nữ đoàn viên, người lao động tham gia. Hằng năm có trên 92% nữ đoàn viên đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang biểu dương cán bộ nữ công công đoàn tiêu biểu |
Công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được quan tâm; Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý của tổ chức công đoàn tăng lên, góp phần quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Tính đến nay, số ủy viên ban chấp hành CĐCS là nữ chiếm 55,1%, tăng 8% so với nhiệm kỳ trước; cấp trên cơ sở: 40,3% tăng 4,04% nhiệm kỳ trước ); cấp tỉnh ngành 36,44% (tăng 10,74%); nữ chủ tịch, phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương (105/275 đồng chí chiếm 38,18%).
Những thành tích đạt được của công tác nữ công công đoàn thời gian vừa qua là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể tới sự đóng góp, cống hiến thầm lặng đội ngũ cán bộ nữ công đoàn các cấp nhất là ở cấp cơ sở, tiêu biểu là 95 chị được biểu dương tại Hội nghị hôm nay.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng Hội nghị gặp mặt cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và biểu dương cán bộ nữ công tiêu biểu toàn quốc là hoạt động vô cùng ý nghĩa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức kịp thời động viên khích lệ đội ngũ cán bộ nữ công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và thúc đẩy bình đẳng giới.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nữ đoàn viên, lao động nữ phát huy vai trò, năng lực của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đặc biệt là Ban Nữ công công đoàn tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ, nhất là Nghị quyết số 11/NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư “về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”; Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, các cơ chế, chính sách, liên quan trực tiếp đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ như Bộ Luật Lao động, luật BHXH sửa đổi, Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị |
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; tập trung nghiên cứu tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng các diễn đàn phù hợp để các nữ lãnh đạo, nữ doanh nhân, nữ công đoàn giao lưu, học hỏi, trao đổi, kinh nghiệm về bình đẳng giới trên các lĩnh vực như: bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, bình đẳng trong thù lao công việc, trong các quyết định liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội. Gia tăng quyền năng cho lao động nữ và kiến tạo giá trị xã hội cho nữ giới. Bản thân mỗi nữ công đoàn cũng cần tự trau dồi, nỗ lực trong học tập, lao động, công tác, tham gia tích cực vào quá trình hoạch định và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Nữ công công đoàn các cấp, lồng ghép hoạt động của Hội Phụ nữ với hoạt động nữ công công đoàn, sâu sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, người lao động. Tiếp tục phát huy vai trò, chức năng của Công đoàn trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp.
Tập hợp tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ, quan tâm vấn đề sức khỏe, cập nhật kiến thức, chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình, việc làm và thu nhập, tiếp tục cải thiện môi trường làm việc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, để bảo đảm thực hiện pháp luật, chính sách đối với lao động nữ; kiến nghị với Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định trong doanh nghiệp.