Gặp người cựu chiến binh, nghệ nhân làng rèn Đa Sỹ

Thứ hai, 23/09/2024 14:46
(ĐCSVN) - Trong bộ quần áo bộ đội giản dị, ông Đoán sải bước trên con đường làng giữa tiếng búa, tiếng đe, tiếng mài,… của làng rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) nổi tiếng gần xa. Hơn 50 năm gắn bó với nghề rèn, nghề không phụ công người chăm chút, tiếng lành đồn xa, “dao Đoán” đã trở thành thương hiệu của người cựu chiến binh - nghệ nhân Đinh Công Đoán.

“Làng rèn trong phố”

Theo chân nghệ nhân Đinh Công Đoán dạo quanh "thủ phủ" nghề rèn Đa Sỹ bên dòng sông Nhuệ, thực mục sở thị “làng rèn trong phố” mà thấy ngỡ ngàng. Sản phẩm rèn của làng Đa Sỹ phong phú về chủng loại, kiểu dáng, nổi tiếng bởi độ bền, sắc, được cho là tốt hơn bất cứ sản phẩm nào trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đời nối đời, người làm rèn Đa Sỹ bảo ban nhau chăm chút cho từng sản phẩm, giữ tiếng, giữ nghề, giữ nghiệp cha ông… Người nghệ nhân đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, bước chân khoan thai, vừa kể chuyện làng, vừa kể chuyện mình, tha thiết, tự hào nhưng cũng chất chứa những trăn trở mong một hướng đi bền vững cho nghề.

 Nghệ nhân Đinh Công Đoán luôn tâm huyết, trăn trở với nghề rèn truyền thống.

Ông Đinh Công Đoán đến với nghề, sống với nghề, gắn bó với nghề như duyên như nợ… Năm 1971, theo tiếng gọi của non sông đất nước, chàng trai trẻ Đinh Công Đoán của làng Đa Sỹ lên đường nhập ngũ. Rong ruổi khắp các chiến trường, ông trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị - chiến tuyến ác liệt trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi được cử đi học lớp sĩ quan hậu cần… 8 năm trong quân ngũ, bị thương nhiều lần khiến cho khắp người chàng trai trẻ in hằn những vết sẹo. Mất đi sức khỏe, Đinh Công Đoán xuất ngũ trở về địa phương với thương tật 61%, đối diện với bao lo toan của cuộc sống thường nhật.

Bản chất kiên cường của người lính từng đối diện với cái chết luôn giúp ông vững tâm, sẵn sàng vượt qua khó khăn. Những năm 80 cũng là thời kỳ hoàng kim của nghề rèn Đa Sĩ, ông Đinh Công Đoán quyết tâm theo nghề truyền thống của làng. Chọn nghề rèn là chấp nhận vất vả bởi nghề rèn không chỉ vô cùng nặng nhọc mà còn đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, sự tỉ mỉ, khéo léo. Vừa tham gia công tác xã hội, vừa tìm thầy học nghề, học việc. Bản tính thông minh, nhanh nhạy, lại trải qua trường lớp trong quân đội, ông Đinh Công Đoán học nghề rất nhanh, chẳng mấy thời gian, ông đã tự mở được lò riêng. Kiên trì, chịu khó vừa làm, vừa học hỏi, ông Đinh Công Đoán tự mày mò sáng tạo “biến tấu” các quy trình phù hợp. Đặc biệt, nhờ những kiến thức được đào tạo trong quân đội như sức bền vật liệu, độ bền sắt thép pha trộn,… ông đã này mò áp dụng thành công vào sản phẩm, tạo nét độc đáo của cá nhân, làm nên thương hiệu “dao Đoán”.

Không chỉ có món nghề riêng trong việc sử dụng vật liệu, ông Đinh Công Đoán vô cùng coi trọng chữ “tín”. Sản phẩm làm ra luôn đáp ứng tiêu chí tiện dụng, bền đẹp. Trọng nghề, trọng công sức lao động, trọng từng sản phẩm làm ra từ mồ hôi nước mắt chân chính, mỗi sản phẩm ra đời từ xưởng rèn của gia đình đều được khắc thêm chữ “Đoán” làm tin. Nhờ tuân thủ nguyên tắc làm hàng chất lượng cao, nói không với hàng kém chất lượng, đảm bảo khâu bảo hành, các sản phẩm của gia đình ngày một có chỗ đứng vững trên thị trường, có mặt trong Nam ngoài Bắc, rồi theo chân sang các nước tiên tiến. Những chuyến hàng sang Đức như tiếp sức cho người cựu chiến binh “giữ lửa”.

Qua tháng năm, từ lò rèn nhỏ, gia đình ông đã phát triển thành hai xưởng rèn, vừa tạo công ăn việc làm cho một số lao động trong làng, vừa đem về nguồn thu nhập khá cho gia đình, đào tạo nghề cho thanh niên. Cha truyền con nối, con trai ông hiện đang kế tục xưởng rèn của cha, tiếp tục theo nghề, giữ gìn thương hiệu “dao Đoán”.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Quốc Chính - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (TP Hà Nội) cho biết: "Nghệ nhân Đinh Công Đoán là một người say nghề, có nhiều sáng kiến trong việc tạo ra các sản phẩm dao chất lượng tốt, uy tín. Trong công việc của Hiệp hội, với vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ, nghệ nhân Đinh Công Đoán đặc biệt nhiệt huyết với công việc chung, luôn trăn trở với việc giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống".

Nỗi trăn trở của người nghệ nhân

Thanh xuân gửi lại chiến trường, gắn bó gần trọn cuộc đời với nghề rèn truyền thống, chứng kiến những thăng trầm của nghề, của người làm rèn, nghệ nhân Đinh Công Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề làng Đa Sỹ luôn trăn trở, làm sao để ứng dụng cộng nghệ vào nghề để giảm tải sức lao động, nâng cao năng suất, mẫu mã sản phẩm; làm sao để quy hoạch mặt bằng cho làng nghề nhằm mở rộng mặt bằng, mở rộng sản xuất, hạn chế tác động môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường; rồi làm sao để không tồn tại hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi vào trong làng nghề;…

 Nghệ nhân Định Công Đoán được nhận danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam.

Thực tế, sự phát triển của nghề khoảng chục năm trở lại đây đã trở nên quá tải khi bị bó hẹp trong ngôi làng cổ. Khắp làng vang tiếng búa, tiếng máy cưa, máy mài ồn ã từ sáng sớm đến đêm, bụi và khói than phủ mờ không khí, những dòng nước thải đen sì đọng lại ở cống rãnh... Vào những ngày hè oi ả, sự ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, khiến người dân có lúc phải kêu than về sự “tức thở”, cả làng như chảo lửa. Một đòi hỏi cấp bách là cần một khu sản xuất riêng cho làng nghề, tách biệt với khu vực nhà ở và sinh hoạt hằng ngày để bảo đảm an toàn cho cả con người lẫn môi trường sống.

Hơn 50 năm theo nghề, giữ nghề, anh bộ đội cụ Hồ năm xưa đã ở tuổi 75. Cánh tay mang thương tật bom đạn ngày nào giờ thêm chi chít những vết “xém da” từ lửa lò, mạt sắt bắn vào của những lần quai búa, nện dao… Trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của làng, tiếng tăm thương hiệu khắp các vùng, người thương binh ấy vẫn giữ nguyên phong thái của người lính cụ Hồ, kiên cường, lạc quan. Mấy mươi năm nhưng ông vẫn đau đáu nhớ về đồng đội, nhớ về những năm tháng chiến đấu gian khổ. Để rồi, người lính già ấy về làng, làm giàu từ nghề truyền thống của làng, lại gom góp tiền hỗ trợ đồng đội khó khăn. Có những dịp ông khăn gói quần áo rong ruổi khắp các chiến trường hàng tháng trời để tìm đồng đội đã hi sinh…

Tâm huyết với nghề, nghĩa tình với đồng đội, đồng chí, cựu chiến binh - nghệ nhân Đinh Công Đoán sáng ngời phẩm chất bộ đội cụ Hồ, luôn là tấm gương sáng của tinh thần lao động sáng tạo, cống hiến, trách nhiệm với nghề, với đời, với xã hội./.

Hồng Phong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực