Học và làm theo Bác: Hết lòng vì nhân dân

Thứ sáu, 18/12/2015 21:15

(ĐCSVN) - Khắc ghi lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ông Lê Qúy Đáng, 68 tuổi, ở tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã vận động hàng trăm hộ gia đình tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động để làm đường giao thông, nâng cấp nhà văn hóa khu dân cư, tạo nên diện mạo mới cho tổ dân phố.

Ông Lê Quý Đáng, nguyên là cán bộ Công ty lâm nghiệp Hàm Yên, sau khi về nghỉ hưu năm 1993. Ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ Tổ dân phố. Trong những năm làm Bí thư Chi bộ, ông Đáng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, học tập và làm theo gương Bác, ông Đáng đã vận động người dân trong tổ dân phố hiến đất, làm đường giao thông, tạo nên kỳ tích chưa từng có ở thị trấn Tân Yên.

Kể cho chúng tôi về những việc làm của mình trong thời gian qua, ông Đáng cho biết: Tổ dân phố Đồng Bàng có tuyến đường huyết mạch đi qua đồng thời cũng là tuyến đường vào nghĩa trang của thị trấn, được đầu tư xây dựng từ năm 2006, nhưng do nền đường hẹp, sau vài năm sử dụng lại xuống cấp nên đi lại rất khó khăn cho bà con.

Ông Lê Qúy Đáng báo cáo thành tích tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015 - Ảnh: PC

 

Sau nhiều lần kiến nghị, năm 2011, huyện nhất trí đầu tư, nâng cấp tuyến đường trên, song kinh phí của huyện có hạn, nếu phải trả tiền bồi thường đất thì sẽ không đủ kinh phí để mở rộng, nâng cấp tuyến đường.

Trước tình hình đó, “Tôi đã triệu tập chi bộ bàn bạc, phối với tổ dân phố phổ biến chủ trương của huyện, vận động, giải thích, thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân - những hộ gia đình có đất, tài sản, cây cối, hoa màu hai bên tuyến đường hiến đất, tài sản trên đất và không đòi đền bù”, ông Đáng nói.

Tuy nhiên, sau khi triển khai gặp phải rất nhiều khó khăn, tâm sự với chúng tôi, ông Đáng cho biết: “Năm ấy, việc tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường gặp rất nhiều bất lợi. Bởi, thu nhập của người dân chưa cao, trong khi đó cùng thời điểm, tuyến đường do tỉnh đầu tư nâng cấp ở tổ dân phố Tân Phú, thị trấn Tân Yên, có những hộ được đền bù từ 300 – 400 triệu đồng. Vì vậy có hộ không hiểu, đòi hỏi phải được bồi thường như các hộ tại tổ dân phốTân Phú”.

“Để giải quyết những khó khăn trên, trong các buổi sinh hoạt chi bộ, các buổi họp dân, tôi đã duy trì nội dung triển khai, quán triệt học tập Chỉ thị số 03- CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh kết hợp kể lại cho đảng viên và nhân dân nghe những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, đặc biệt trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác sống và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang. Sau đó tôi mới triển khai chủ trương, dự toán, thiết kế về việc đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường để đảng viên và nhân dân cùng thảo luận, tham gia ý kiến”, ông Đáng kể lại.

“Đồng thời tôi còn đề nghị trước toàn dân, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó mỗi đồng chí cán bộ, đảng viên là người phải đi đầu trước nhân dân, để làm gương cho nhân dân học tập, đồng thời vận động người thân và bà con cùng làm theo”, ông Đáng chia sẻ.

Từ cách làm đó, sau nhiều buổi sinh hoạt chi bộ và các cuộc họp tổ dân phố, ông Đáng đã lập một danh sách những hộ đồng ý hiến đất, tài sản trên đất ký tên trực tiếp vào danh sách, đồng thời tiếp tục giải thích, vận động nhân dân hiểu việc mở rộng nâng cấp tuyến đường.

Sau nhiều lần vận động, thuyết phục, con số những hộ không đồng tình dần thu hẹp lại và cuối cùng, 60 hộ gia đình trong tổ đều ký tên vào danh sách hiến đất, tài sản, hoa màu. Có nhiều hộ đóng góp từ 200 - 300 m2 đất, nhiều hộ có cây ăn quả, cây lấy gỗ trồng từ 10 - 15 năm tự chặt hạ, có hộ tự nguyện dịch chuyển nhà ở để bàn giao đất cho đơn vị thi công đúng thời gian, đúng kế hoạch…

Sau gần 1 năm, nhờ sự kiên trì tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”, giúp người dân hiểu phương châm xây dựng nông thôn mới của trên là “Nhà nước và nhân dân cùng làm” của bác Đáng, tuyến đường vào Đồng Bàng được hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng dịp Tết Nguyên đán năm 2012.

Sau thành công trong việc vận động các hộ dân tự nguyện hiến đất làm đường nhựa, đến năm 2013, thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đường bê tông, ông Đáng tiếp tục vận động nhân dân trong tổ dân phố đóng góp kinh phí, ngày công lao động làm hơn 1,5 km đường bê tông nông thôn nối từ Đồng Bàng đến xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên. Đây là tuyến đường liên xã đầu tiên của huyện Hàm Yên được bê tông hóa theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, với tổng kinh phí 1 tỷ đồng. Sau hơn 1 tháng thi công, tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần không nhỏ cho việc giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế của địa phương.

Tích cực xây dựng tổ dân phố giàu đẹp

Ông Đáng còn cho biết “Khi điều kiện của bà con đã khá nên, nhu cầu sinh hoạt, hội họp của địa phương khá cao. Nhưng khu phố Đồng Bàng, có nhà văn hóa là nơi sinh hoạt chung nhưng rất chật hẹp và xuống cấp trầm trọng, khuôn viên nhà văn hóa bị nhân dân lấn chiếm, người dân không có nơi tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí.

Các đại biểu nghe tham luận của ông Lê Quý Đáng Ảnh: Phạm Cường

“Trước tình trạng đó, năm 2014, trong cuộc họp của chi bộ Tổ dân phố, tôi đã đề xuất với chi bộ ra nghị quyết về tu sửa, chỉnh trang, xây dựng khuôn viên nhà văn hóa. Sau khi tôi đề xuất, các thành viên trong chi bộ đều nhất trí tán thành với tinh thần phục vụ công việc chung của tổ dân phố”.

Nhờ tạo được tình cảm và niềm tin của nhân dân trong nhiều việc làm trước đây, ông Lê Quý Đáng cùng với các đảng viên trong chi bộ tiếp tục tích cực vận động nhân dân thực hiện chủ trương trên. Nhờ tinh thần gương mẫu, đi đầu các đảng viên trong chi bộ, nên nhân dân trong tổ dân phố ủng hộ rất cao.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân đã đóng góp được hơn 75 triệu đồng xây dựng. Số tiền đó đã được tổ dân phố dùng để xây tường rào, cổng trào nhà văn hóa, xây dựng sân chơi”. Đến đầu năm 2015, công trình hoàn thành và trở thành điểm tổ chức các hoạt động của tổ dân phố và là nơi vui chơi, giải trí, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân.

Bộc bạch về những việc làm của mình trong thời gian qua, ông Lê Qúy Đáng chia sẻ: “Nhiều người bạn cũng hay khuyên tôi nghỉ ngơi nhưng tôi nghĩ, việc mình làm không có gì lớn lao cả, còn sức khỏe là còn làm việc, hơn nữa nhìn khu phố đổi mới theo từng năm tháng, bà con có đường sá đi lại thuận lợi mình cũng vui mừng”.

“Tôi nhận thấy rằng, học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là việc gì đó cao xa, mà chính là thực hiện những phần việc cụ thể, thiết thực trong cuộc sống. Với cán bộ, đảng viên, học theo Bác thực chất là học cách phục vụ nhân dân. Từ thực tiễn công tác, tôi càng thêm thấm thía lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Những vấn đề nào khó khăn, chỉ cần biết quy tụ sức mạnh, bàn bạc dân chủ, thì mọi việc đều có thể giải quyết được”.

Với những đóng góp của mình trong nhiều năm qua, ông Lê Qúy Đáng được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2013. Mới đây, ông vinh dự là đại biểu được báo cáo thành tích tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015./.

 

 Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực