“Lan tỏa lối sống đẹp”

Thứ ba, 31/08/2021 09:05
(ĐCSVN) – Đây là chủ đề của chương trình giao lưu trực tuyến do Tạp chí Thi đua Khen thưởng phối hợp tổ chức nhằm tiếp tục lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt” có lối sống đẹp và nhân ái; đồng thời góp thêm nguồn năng lượng tích cực để cùng nhau đoàn kết vượt qua thời kỳ dịch COVID-19 đầy khó khăn này.

Chiều 30/8, Tạp chí Thi đua Khen thưởng phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến gương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt” với chủ đề “Lan tỏa lối sống đẹp” trên Trang điện tử Tạp chí Thi đua Khen thưởng tại địa chỉ: http://thiduakhenthuongvn.org.vn.

Tham gia giao lưu tại chương trình là 5 điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt” từng được phản ánh trên các ấn phẩm của Tạp chí Thi đua Khen thưởng: Ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 3, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội; Thạc sĩ Nguyễn Anh Tú, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội; nhà giáo Nguyễn Thu Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; em Nguyễn Dân An, học sinh lớp 6A10, trường THCS Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội; chị Bùi Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Các đại biểu tham dự giao lưu trực tuyến qua nền tảng Zoom Meeting. 

Tại buổi toạ đàm, là khách mời nhỏ tuổi nhất tham gia giao lưu, những lời bộc bạch chân thành của cậu bé Nguyễn Dân An, học sinh lớp 6A10, trường THCS Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, khi nhặt được 70 triệu đồng đã đi tìm chủ nhân để trả lại, khiến nhưng người tham dự xúc động.

Cậu bé chia sẻ ‘‘Khi em nhặt được chiếc ví mà bên trong có nhiều tiền và giấy tờ, điều đầu tiên em nghĩ đến là họ đang rất lo lắng, đi tìm. Nếu thấy lại chiếc ví, họ sẽ vui lắm. Em nghĩ, các bạn em nếu nhặt được ví tiền hay đồ gì đó không phải của mình, cũng sẽ tìm trả lại người đánh mất. Vì như thế, cả người nhặt được và người đánh rơi đều cảm thấy vui ạ’’.

Qua câu chuyện được biết, chủ nhân của những món đồ và tiền có giá trị ấy mong muốn tặng tiền và quà cho An nhưng em nhất định từ chối nhận tiền, chỉ nhận món quà là một chiếc ba lô nhỏ và đôi giày thể thao để hàng ngày theo bước chân em tới trường.

 Em Nguyễn Dân An, học sinh lớp 6A10, trường THCS Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, dù hoàn cảnh còn khó khăn nhưng khi nhặt được 70 triệu đồng đã đi tìm và trả lại người mất. 

Tại buổi giao lưu, các đại biểu, những người tham dự được lắng nghe chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Anh Tú, Đội trưởng Đội trực y tế vận chuyển công dân về nước của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, tham gia chống dịch từ những ngày đầu tiên. Anh từng cùng các đồng nghiệp vận chuyển hơn 12 nghìn người đến các khu cách ly an toàn, nhưng với anh Nguyễn Anh Tú đó chỉ là một việc làm nhỏ bé, được hỗ trợ một phần sức lực của mình vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ suy nghĩ về công việc của mình, Thạc sĩ Nguyễn Anh Tú bày tỏ “Khi nhìn thấy các cháu bé cùng bố mẹ để về được đến Việt Nam mất nhiều giờ, nhiều ngày, thậm chí hàng tháng thì chúng tôi chỉ có một cảm xúc là thương bà con mình quá, mong đưa bà con đến nơi cách ly càng nhanh càng tốt để mọi người có thể được tắm rửa, nghỉ ngơi, hòa mình với quê hương yêu dấu nên chúng tôi thấy rất “nhẹ nhõm”.

Cùng có việc làm ý nghĩa cùng với cả nước tham gia phòng, chống dịch COVID-19, chương trình giao lưu được nghe chị Bùi Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy chia sẻ, với cương vị người Chủ tịch Hội, chị đã cùng các thành viên tham gia đã vận động, quyên góp hàng trăm triệu đồng cùng các vật dụng thiết yếu để ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021... Tổng giá trị các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy triển khai các năm 2018, 2019, 2020 đạt trên 50 tỷ đồng...

Đáng nói hơn là, hơn một thập kỷ gắn bó với công tác chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, bản thân chị không ngại đặt chân đến nhiều địa bàn trên cả nước để sẻ chia, giúp đỡ nhiều số phận thiệt thòi, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt nhất, trong hoạt động của mình, bản thân chị đã 23 lần trao đi những giọt máu yêu thương của mình, góp phần cứu sống nhiều người bệnh.

Là khách mời lớn tuổi nhất tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 3, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân chia sẻ gần 80 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, tuy không còn làm Bí thư chi bộ nhưng ông vẫn luôn tâm niệm người đảng viên phải luôn có một lối sống đẹp.

Ông cho rằng: “Lối sống đẹp của người đảng viên có tác động, ảnh hưởng lớn trong xây dựng lối sống của nhân dân. Muốn dân tin và đi theo Đảng, người đảng viên phải là tấm gương sáng để nhân dân học tập và noi theo”. Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “Người cộng sản không phải cứ trương hai chữ cộng sản lên trán là được quần chúng nể phục, noi theo, mà quần chúng chỉ nể phục và noi theo khi người cộng sản thực sự gương mẫu về mọi mặt, biết hướng dẫn, chỉ bảo cho quần chúng cùng làm theo”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, người đảng viên phải trung thực, giản dị, sâu sắc, lắng nghe nguyện vọng của quần chúng, đoàn kết, khiêm tốn, học hỏi nhân dân, dám phê phán cái sai, đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân… Trong cuộc sống của mình, với vai trò, uy tín của người đảng viên, ông đã vận động đông đảo quần chúng nhân dân thực hiện lối sống xanh; triển khai làm thí điểm thành công mô hình tổ dân phố văn hóa 5 không; thực hiện vận động xã hội hóa quét xóa 3.200m2 rác tường; làm 375 giá treo cờ, đổ bê tổng 700m2 sân chơi, sơn lại nhà hội họp khu dân cư, làm 1 giàn hoa, mua 5 ghế đá, 1 xích đu, 1 bập bênh, 2 cầu trượt cho các cháu nhỏ… góp phần hình thành nếp sống văn minh nơi công cộng.

Các vị khách mời chia sẻ tại buổi giao lưu  

Cô giáo Nguyễn Thu Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội được mệnh danh là “người truyền lửa” nhân ái. Chia sẻ tại giao lưu, Cô giáo Nguyễn Thu Phương chia sẻ luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy, điều cốt lõi trong công tác giáo dục đó là “làm cho cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, cái dở, cái xấu thì mất dần đi”.

Với tâm niệm đó, hơn hai mươi năm trong ngành, dù là lúc cầm phấn đứng trên bục giảng hay ở vị trí quản lý của nhà trường, cô Phương luôn chọn cho mình lối sống mẫu mực, cần mẫn gieo những mầm sống đẹp từ những công việc bình dị hàng ngày. Đó là 16 năm làm việc ở trường, cô là người hiệu trưởng đầu tiên sáng nào cũng đứng ở cổng trường đón học sinh và gật đầu mỉm cười chào các em học sinh. Với sự kiên trì của cô trong 3 năm qua, việc làm đã lan toả, đồng hành của cả tập thể ban giám hiệu, giáo viên nhà trường.

“Việc làm này của tôi và tập thể cán bộ giáo viên trường Tiểu học Tô Hoàng xuất phát từ mong muốn góp phần giúp học sinh ngoan hơn, chủ động chào hỏi ông bà, bố mẹ, thầy cô, mạnh dạn hơn trong giao tiếp; việc làm này cũng giúp kéo gần khoảng cách giáo viên - học sinh, giáo viên - cha mẹ học sinh, góp phần xây dựng trường học thân thiện, hạnh phúc”, cô giáo Nguyễn Thu Phương chia sẻ.

Phát biểu tại buổi giao lưu, Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng Phạm Hồng Long chia sẻ, chương trình diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Những chia sẻ tại buổi giao lưu tiếp tục lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng xã hội những tấm gương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt” có lối sống đẹp và nhân ái; đồng thời góp thêm nguồn năng lượng tích cực để động viên tất cả chúng ta cùng nhau đoàn kết vượt qua thời kỳ dịch COVID-19 đầy khó khăn này”./.

Tin, ảnh: Thảo Khuê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực