“Mẹ đỡ đầu” của gần 31.000 trẻ mồ côi

Thứ sáu, 25/10/2024 16:31
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Chính thức phát động từ tháng 10/2021, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lan toả sâu rộng, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức và các cá nhân đồng hành cùng với tổ chức Hội.

Ở Khánh Hòa, toàn tỉnh có 23 trẻ có cha hoặc mẹ mất vì dịch bệnh COVID-19 trong đó có 6 trẻ mầm non và 5 trẻ cấp tiểu học, 4 trẻ không còn cả cha lẫn mẹ. Hầu hết các gia đình hoặc người đang nuôi các trẻ mồ côi vì COVID-19 đều ở hoàn cảnh nghèo, cận nghèo hoặc rất khó khăn.

Để giúp trẻ mồ côi cha, mẹ vì COVID-19, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức chương trình "Kết nối mẹ đỡ đầu" và đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, tất cả 23 trẻ bị mồ côi vì COVID-19 đều đã được nhận đỡ đầu, mỗi em đều được hỗ trợ mỗi tháng từ 2 đến 3 triệu đồng kể từ tháng 1/2022 đến khi các em đủ 18 tuổi.

Tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Lê Kim Anh cho biết, trước những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch COVID-19, tác động ảnh hưởng đến mỗi gia đình và việc học tập của trẻ em, tháng 9/2021, thực hiện chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội đã phát động chương trình “Đồng hành cùng con”, “Mẹ đỡ đầu”.

Trao Bằng khen của Hội LHPN TP Hà Nội cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều nỗ lực trong 3 năm triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu". 

3 năm qua, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ với đầy tình yêu thương và trách nhiệm của các cấp Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ, nhiều tổ chức và cá nhân, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền các cấp của TP với 1.277 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do COVID-19 đã được nhận đỡ đầu với số kinh phí hỗ trợ hằng tháng từ 500.000 đến 1 triệu đồng. 413 tổ chức, cá nhân đã trở thành những người mẹ thứ hai của các con trong đó có 224 "mẹ đỡ đầu" là cán bộ, hội viên, tổ chức Hội; 163 "mẹ đỡ đầu" là tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và 26 bố đỡ đầu. Với sự động viên của gia đình và các "mẹ đỡ đầu", nhiều con đã nỗ lực vươn lên đạt thành tích tốt trong học tập. Đặc biệt, có 12 con đoạt giải trong các kỳ thi cấp trường, cụm, cấp huyện, cấp TP các môn Lịch sử, Hoá học, Ngữ văn, tiếng Anh và thể thao; có con đạt huy chương vàng môn Taekwondo của TP.

Gần đây, sau cơn bão số 3 - bão Yagi, 3 em nhỏ tại xã Quang Tiến, TP Hòa Bình rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trong hoàn cảnh ấy, các "mẹ đỡ đầu" từ Hội LHPN thường xuyên tới an ủi các em. Các mẹ không chỉ quan tâm từ việc học tập, sinh hoạt hằng ngày... mà còn kết nối với các doanh nghiệp nhận đỡ đầu cho cả 3 em, động viên, xoa dịu các em trước biến cố đầu đời để yên tâm học tập. 

Chính thức phát động từ tháng 10/2021, chương trình “Mẹ đỡ đầu” với mục tiêu vận động, kết nối các cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ đỡ đầu trẻ em mồi côi do COVID - 19, trong đó chú trọng vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hằng ngày với tinh thần tự nguyện. Đến nay, sau 3 năm triển khai, chương trình đã huy động được hơn 170 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 30.853 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19.

Để có được con số ấn tượng đó, các cấp Hội Phụ nữ từ Trung ương đến cơ sở là cầu nối trực tiếp đẩy mạnh việc kết nối, vận động các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân trong vào ngoài nước phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc; khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần nhân văn, tấm lòng nhân hậu của phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia hưởng ứng chương trình, trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

“Mẹ đỡ đầu” và các con trải nghiệm làm nghệ nhân làng gốm Bát Tràng. 

Tại Trung ương Hội, mạng lưới nữ lãnh đạo là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khối bộ/ngành, các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội đồng loạt hưởng ứng. Nhiều tỉnh, thành đã phát huy được vai trò của mạng lưới câu lạc bộ hưu trí, hội đồng hương xa quê, việt kiều... kết nối hiệu quả "mẹ đỡ đầu" ở xa với "mẹ đỡ đầu" trực tiếp và trẻ mồ côi. Qua kết nối, đã có trên 34 "mẹ đỡ đầu" tại châu Âu cam kết nhận hỗ trợ, chăm sóc 56 con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, có "mẹ đỡ đầu" nhận nuôi 5 con.

Cùng với đó, ngay sau khi phát động chương trình, nhiều tỉnh/thành Hội hưởng ứng sớm, kết nối, vận động được nhiều tập thể, cá nhân nhận làm “mẹ đỡ đầu” với nhiều cách làm sáng tạo như Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Dương vận động các nữ doanh nhân thuộc Hội nữ doanh nhân tỉnh hỗ trợ cho trẻ mồ côi do COVID-19 (từ 1 đến 16 tuổi); Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hoá thành lập nhóm “Mẹ đỡ đầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi” với Ban quản lý từ 3-5 người để điều phối, phân công nhiệm vụ trong nhóm... 

Các cấp Hội đều chủ động xây dựng kế hoạch, cụ thể hoá tổ chức triển khai chương trình; sáng tạo, linh hoạt khai thác thế mạnh của mạng xã hội (zalo, facebook, website của Hội…) để tập trung thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng tham gia thực hiện chương trình với nhiều hoạt động phù hợp, sát với nhu cầu của trẻ, ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường tình thân gia đình…

Các cấp Hội cũng tích cực tham mưu cấp uỷ, chính quyền quán triệt, thống nhất chủ trương và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn hưởng ứng chương trình; kết nối với các trường học nhận đỡ đầu các con mồ côi đang học tập tại trường; giao chỉ tiêu kêu gọi, vận động nguồn lực đối với mỗi cán bộ Hội và cơ sở Hội; kết nối doanh nghiệp, tổ chức, mạnh thường quân và con em xa quê... hưởng ứng, hỗ trợ chương trình. 

Lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết, bên cạnh hỗ trợ các con về vật chất, tinh thần, các cấp Hội còn kết nối, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng các con mồ côi phù hợp với độ tuổi, tư vấn chăm sóc sức khoẻ, tâm lý, tư vấn định hướng nghề nghiệp, liên hệ cơ sở đào tạo nghề, giới thiệu việc làm...; hỗ trợ kết nối thông tin liên lạc giữa "mẹ đỡ đầu" và các con, nhắc nhở trẻ học tập, hướng dẫn làm việc nhà... tạo điều kiện để các con được phát triển trong môi trường gia đình và cộng đồng./.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực