Là một trong những người trẻ vinh dự được lựa chọn ra thăm quần đảo Trường Sa trong Hành trình Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2014, dù thời gian trên đảo không nhiều nhưng Trần Văn Thược đã dành phần lớn quỹ thời gian ít ỏi ấy để vẽ tặng gần 100 bức ký họa các chiến sĩ đóng quân tại các điểm đảo nơi đoàn ghé thăm.
Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thược. Ảnh: Minh Châu.
“Vẽ là nhu cầu thiết yếu hằng ngày, một phần không thể tách rời đối với cá nhân tôi. Việc vẽ cả trăm bức ký họa trong khoảng thời gian không dài có thể khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng với tôi đó là điều hết sức bình thường. Nhưng mục đích của tôi không phải vẽ được số lượng cụ thể bao nhiêu bức họa mà chỉ là càng nhiều càng tốt. Điều mong muốn hơn hết là tôi muốn dành tặng món quà chất chứa tình cảm của cá nhân để các chiến sĩ lưu lại những ngày tháng đối mặt với cái nắng, cái gió, với nước biển mặn mòi, phải sống xa gia đình, người thân nhưng các anh vẫn vững vàng giữ tay súng, bảo vệ bình yên biển đảo quê hương. Điều đó khiến tôi vô cùng trân trọng” - Trần Văn Thược nói.
“Khi ký họa, giữa biển trời của Tổ quốc, có rất nhiều chiến sỹ ngồi xung quanh để xem tôi vẽ. Trong các bức họa, tôi ấn tượng với một chiến sĩ mà khi vẽ xong, chiến sĩ này vui mừng treo luôn lên tường để ngắm nghía và chia sẻ với tôi rằng sẽ giữ bức ký họa cẩn thận để khi về đất liền sẽ mang theo khoe với vợ, con ở quê nhà. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên với tôi khi may mắn đặt chân lên quần đảo Trường Sa”, nhà điêu khắc trẻ nhớ lại.
Và mảng đề tài về những người thân thuộc, sống xung quanh, về thiên nhiên, cuộc sống cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận mà Trần Văn Thược theo đuổi trong những tác phẩm điêu khắc. Anh cho biết: “Với người nghệ sĩ, mỗi tác phẩm sáng tạo đều là những đứa con tinh thần đầy tâm huyết. Mỗi khi chọn các tác phẩm để tham dự các cuộc triển lãm trong và ngoài nước, bản thân tôi phải đấu tranh, “cân não” rất nhiều để lựa chọn trong những "đứa con" tinh thần đầy tâm huyết mà tôi đã ấp ủ sinh ra".
Nhưng có lẽ, tác phẩm Thược tâm đắc nhất, “đứa con” mà anh cưng nhất có tên là "Sự sống". Tác phẩm này đoạt giải đồng hạng của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Tác phẩm nói về sự vươn lên mạnh mẽ của con người, trong đó chi tiết những chiếc thang tượng trưng cho số phận của con người. Mỗi người hãy cố gắng để vươn lên, giành được vị trí cao như những nấc thang phía trên kia. Ngoài ra, tác phẩm còn có hình tượng cây mọc ở mảnh đất cằn cỗi nhưng vẫn đơm hoa kết trái, tràn trề nhựa sống như một sự động viên con người hãy như cái cây kia, khi gặp khó khăn hãy dám đương đầu, bằng nghị lực, trí tuệ để vươn lên, gặt hái thành quả”, chàng trai sinh năm 1992 chia sẻ.
Nói về cơ duyên đến với nghề điêu khắc, Trần Văn Thược cho biết, những trò chơi từ thuở ấu thơ như: Nặn tượng, pháo bằng đất nặn… đã dần nhen nhóm niềm đam mê trong chàng trai trẻ. Dù trong gia đình không một ai theo nghề điêu khắc nhưng Thược vẫn nuôi dưỡng ước mơ để rồi khi lớn lên quyết định thi vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Trần Văn Thược là một trong 445 đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV.
Ảnh: Minh Châu.
Theo Trần Văn Thược chia sẻ: “Mọi thứ đều do tôi tự quyết định. Khi quyết tâm theo đuổi đam mê thì dù khó khăn đến đâu vẫn tìm ra con đường rộng mở mà ở đó có thể thỏa sức tìm tòi và sáng tạo. Tôi thích điêu khắc bởi tôi thích tiếp xúc với hình khối có thực và trong quá trình làm việc có thể tương tác với nó. Thông qua những tác phẩm điêu khắc, tôi thể hiện được hết những ý đồ muốn chuyển tải lên một tác phẩm”.
Theo Trần Văn Thược, để theo đuổi nghề điêu khắc, ngoài yếu tố năng khiếu, cần phải có tính kiên trì và thậm chí phải hy sinh nhiều thứ. Đơn giản nhất là khi làm việc, không thể ăn mặc quá đẹp đẽ như dân công sở, giới doanh nhân. Công việc thì vô cùng vất vả, bụi bặm và phải biết làm tất cả những việc như: Sơn, đắp, cắt gọt, mài giũa...
Ngoài ra, các nhà điêu khắc trẻ còn phải đối mặt với một khó khăn nữa là rất khó bán tác phẩm bởi chưa có danh tiếng, tên tuổi trong khi khoản tiền đầu tư cho việc mua nguyên vật liệu để sáng tác lại không phải là ít. Những người theo nghề đến cùng thì thời gian đầu đều phải làm thêm những công việc khác để có tiền nuôi dưỡng đam mê. Bản thân Thược lúc mới vào nghề cũng phải “cầy” rất nhiều công việc như: Vẽ tranh tường, làm những tác phẩm điêu khắc phục vụ người có thu nhập trung bình để có tiền mua nguyên vật liệu, sáng tạo những tác phẩm mới.
Tự nhủ nghề điêu khắc khó có thể nhanh chóng giàu có, nhất là với những người trẻ mới chập chững vào nghề, với ai bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền càng không dễ trụ lại, nhưng theo Thược, điêu khắc hiện vẫn hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt là những người thích tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Những nhà điêu khắc trẻ hiện cũng có nhiều thuận lợi như: Vật liệu để sáng tạo rất phong phú, nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế liên tục được tổ chức, mở ra nhiều cơ hội để người trẻ khẳng định khả năng trong giới tạo hình điêu khắc ở Việt Nam và nước ngoài.
Sớm gặt hái được thành công, được nhiều chuyên gia, nhà điêu khắc trong giới đánh giá cao, nói về lời khen, Trần Văn Thược thẳng thắn: “Sự khen ngợi rất quan trọng. Nó là một động lực cho mỗi người hứng thú hơn với công việc. Có được thành công, tôi cũng không tự mãn và luôn đặt ra các mục tiêu tiếp theo để mình chinh phục bởi tôi biết, có rất nhiều người tài giỏi hơn mình. Mình phải luôn nỗ lực học tập từ chính họ để tự hoàn thiện bản thân ngày một tốt hơn. Đứng trước thất bại tôi cũng không nản lòng, bởi tôi nhìn nhận đó chính là thử thách giúp tôi mạnh mẽ hơn”./.