Những sáng kiến kịp thời thích ứng với điều kiện sống, làm việc trong bối cảnh dịch bệnh

Thứ bảy, 23/07/2022 17:49
(ĐCSVN) - Thực hiện chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động trên cả nước đã hưởng ứng tích cực với nhiều cách làm sáng tạo, đạt 232,3% chỉ tiêu kế hoạch đề ra với 696.948 sáng kiến, làm lợi hơn 10.000 tỉ đồng.

Từ khi giải pháp “Chế tạo robot phun sơn tĩnh điện” của kỹ sư Lê Trạc Đồng, Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục Hồng Đức (Khu công nghiệp Lễ Môn, tỉnh Thanh Hóa) được áp dụng không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường do sơn thất thoát ra ngoài không khí mà còn rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm, tiết kiệm được nhân công, ước tính làm lợi cho công ty 320 triệu đồng/năm. 

Đây chính là một trong những sáng kiến tiêu biểu được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thanh Hóa giới thiệu cho Tổng LĐLĐ Việt Nam làm công tác truyền thông. Tính đến ngày 31/5/2022, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã có 170.324 tổng số sáng kiến tham gia chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, đứng thứ nhất cả nước và cũng là một trong 07 đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu cả chương trình. Tính trong phạm vi cụm thi đua Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa là đơn vị dẫn đầu, đạt và vượt chỉ tiêu về số lượng sáng kiến hợp lệ và có nhiều sáng kiến của đoàn viên Công đoàn, công nhân lao động đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Công nhân Phạm Văn Tư (ngoài cùng bên trái), Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam chia sẻ về sáng kiến cải tiến sản phẩm tham gia chương trình.

Không chỉ LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố không ngừng nỗ lực, bứt phá đầy ấn tượng. Điển hình như LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh đã thành công trong những ngày cuối cùng của “Chiến dịch thi đua cao điểm 40 ngày” (diễn ra từ ngày 21/4 đến hết ngày 31/5), vượt lên giữ vị trí thứ 2 với 56.417 sáng kiến; LĐLĐ thành phố Hà Nội từ vị trí thứ 10 đã vươn lên dẫn đầu số người đăng ký có sáng kiến và đứng thứ 3 với 53.379 sáng kiến; LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng từ chỗ đứng vị trí 66 trong bảng xếp hạng đã vươn lên vị trí thứ 16 trong tổng số 82 đơn vị, cũng là đơn vị dẫn đầu của Cụm thi đua 10 LĐLĐ các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, sau hơn 140 ngày chính thức phát động và tiến hành cập nhật sáng kiến trên Cổng trực tuyến, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, gián đoạn do nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng với quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp công đoàn, đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động cả nước, chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” đã hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 1 sớm 20 ngày so với kế hoạch đề ra. Tính đến 24h00 ngày 31/5/2022, đã có 696.948 sáng kiến gửi tham gia chương trình, vượt chỉ tiêu 132% kế hoạch giai đoạn 1 (vượt 396.948 sáng kiến) và đạt 69,6% chỉ tiêu toàn bộ chương trình. 

Trong đó, số lượng sáng kiến của đoàn viên là cán bộ, viên chức, người lao động đơn vị sự nghiệp là 380.656 sáng kiến (tỷ lệ 55%); số lượng sáng kiến của đoàn viên là công nhân lao động trong khu vực doanh nghiệp là 168.921 sáng kiến (tỷ lệ 24%); số lượng sáng kiến của cán bộ công đoàn là 110.976 sáng kiến (tỷ lệ 16%); số lượng sáng kiến của đoàn viên là cán bộ, công chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là 36.395 sáng kiến (tỷ lệ 5%). 

 Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải tặng Bằng khen cho 13 tập thể có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 1 của chương trình 

Các sáng kiến đã thể hiện được sức sáng tạo và trí tuệ của người lao động Việt Nam kịp thời thích ứng với điều kiện sống, làm việc trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và trong giai đoạn bình thường mới, góp phần quan trọng vào việc ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Theo thống kê của hệ thống phần mềm trực tuyến, tổng giá trị làm lợi của các sáng kiến ước tính hơn 10.000 tỉ đồng. 

Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Hải cũng cho biết, điểm mới trong cách thức tổ chức chương trình là việc tổ chức phát động thi đua theo từng cụm, khối thi đua trực thuộc Tổng Liên đoàn, tổ chức các hội nghị đánh giá, hướng dẫn triển khai, công khai thông tin kết quả thường xuyên theo cụm, khối, từ đó tạo động lực và tính cạnh tranh cao cho các đơn vị trong suốt quá trình diễn ra chương trình.

"Kết quả giai đoạn 1 của chương trình đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống Công đoàn, của công nhân, viên chức, lao động cả nước trong việc thực hiện chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID – 19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước", ông Trần Thanh Hải nói. 

Từ thành công của chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”, Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” ngày 30/12/2021.

Chương trình được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022, đạt mục tiêu 300 nghìn sáng kiến, thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022. Giai đoạn 2 từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023, chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, với mục tiêu 700 nghìn sáng kiến.

Đã có 7 đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu cả chương trình là LĐLĐ các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Lâm Đồng; có 30 đơn vị điều chỉnh tăng chỉ tiêu kế hoạch đăng ký nhưng cũng đã hoàn thành vượt mức giai đoạn 1.

 

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực