Phong trào “Kế hoạch nhỏ” góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp của thiếu nhi

Thứ hai, 22/04/2024 17:53
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Liên quan đến việc triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” tại một lớp học ở Hà Nội dẫn đến bức xúc của phụ huynh và gây xôn xao dư luận thời gian qua, phóng viên đã có trao đổi với ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thiếu nhi Việt Nam về sự việc này, qua đó hiểu rõ hơn về ý nghĩa của phong trào đã có lịch sử 66 năm tuổi.

Phóng viên (PV): Câu chuyện nộp giấy vụn triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” tại một lớp thuộc khối 7, trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội vừa qua gây xôn xao dư luận. Là Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thiếu nhi Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về sự việc này?

Ông Lê Anh Quân: Đây là một trường hợp hy hữu xảy ra trong quá trình triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” tại cơ sở. Theo đó, khi triển khai, cô giáo chủ nhiệm yêu cầu chỉ thu giấy vụn trong một ngày duy nhất. Học sinh nào quên, giáo viên yêu cầu gọi phụ huynh mang tới nộp, nếu không sẽ phải nộp phạt 50 nghìn/kg giấy. Hội đồng Đội Trung ương hoàn toàn chia sẻ và đồng cảm với những bức xúc của phụ huynh bởi cách thức triển khai phong trào đã không đúng với mục tiêu và quan điểm chỉ đạo của Hội đồng Đội cấp trên, làm sai lệch hình ảnh cũng như ý nghĩa của một phong trào có truyền thống rất lâu đời của các thế hệ thiếu nhi Việt Nam. 

  Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thiếu nhi Việt Nam.

Chúng ta cần hiểu rõ những bức xúc của phụ huynh ở đây là cách thức triển khai phong trào của cô giáo chủ nhiệm lớp là chưa phù hợp chứ phụ huynh không bức xúc với phong trào “Kế hoạch nhỏ”.

Từ sự việc đáng tiếc này, Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo Hội đồng Đội thành phố Hà Nội quán triệt tới các đơn vị cơ sở trên địa bàn nghiêm túc triển khai phong trào theo đúng tinh thần chỉ đạo của Hội đồng Đội cấp trên, tuyệt đối không để tái diễn những sự việc tương tự; đồng thời, tích cực tuyên truyền để phụ huynh hiểu và đồng hành cùng với tổ chức Đội trong việc giáo dục, rèn luyện cho các em những thói quen có ích, biết làm việc có tính kế hoạch ngay từ khi còn nhỏ.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm mục tiêu của phong trào “Kế hoạch nhỏ” hiện nay hướng đến là gì?

Ông Lê Anh Quân: Kế thừa những giá trị tốt đẹp của phong trào “Kế hoạch nhỏ” suốt hơn 65 năm qua, mục tiêu của phong trào “Kế hoạch nhỏ” trong giai đoạn hiện nay tập trung hướng dẫn thiếu nhi tham gia phong trào với tinh thần chủ động, giúp các em hiểu và nhận thức đúng về ý nghĩa và giá trị của phong trào. Từ phong trào này, các em sẽ được nâng cao ý thức tiết kiệm, yêu quý lao động, bảo vệ môi trường, biết giúp đỡ và chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn...

Nếu như trước đây, phong trào tập trung vào các nội dung thu nhặt phế liệu, phế phẩm, thu nhặt giấy vụn, mảnh chai, túi ni lông... làm “Kế hoạch nhỏ” thì đến nay, nội dung của phong trào đã có nhiều thay đổi, phù hợp với sự tham gia của các đối tượng đội viên, thiếu nhi; đảm bảo tính hiệu quả, dễ thực hiện, hướng tới mục tiêu giáo dục, rèn luyện cho đội viên, thiếu niên và nhi đồng.

Điểm mới và khác trong nội dung của phong trào “Kế hoạch nhỏ” hiện nay là hướng dẫn cho các em biết thực hành tiết kiệm thông qua các hoạt động hằng ngày, thường xuyên tại trường, lớp, gia đình; định hướng để các em hiểu và tự nguyện tham gia quyên góp các sản phẩm phế liệu hoặc lao động để tạo nguồn kinh phí xây dựng, thực hiện các công trình măng non, bổ sung trang thiết bị hoạt động Đội tại cơ sở hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Việc xây dựng ý thức thực hành tiết kiệm của các em phải được coi là việc làm tốt, là nét đẹp hằng ngày ở mọi lúc, mọi nơi đối với mỗi thiếu nhi.

PV: Phương thức triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” hiện nay được thực hiện như thế nào?

Ông Lê Anh Quân: Để phong trào “Kế hoạch nhỏ” được triển khai thống nhất trong cả nước, đảm bảo đúng mục tiêu và nội dung đề ra, Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo các cơ sở Đội triển khai theo 3 phương thức:

Thứ nhất, thông qua quyên góp của đội viên, thiếu nhi: Tổ chức để đội viên, thiếu nhi quyên góp giấy vụn, phế liệu, vỏ chai nước, vỏ lon nước ngọt… (sản phẩm quyên góp phải có giá trị tái sử dụng, thời gian lưu trữ sản phẩm không gây ảnh hưởng đến môi trường) hoặc quyên góp sách, truyện, đồ chơi, quần áo... còn sử dụng được. Sau khi thu gom, liên đội tổ chức phân loại, đối với sách truyện, đồ chơi, quần áo và các vật phẩm còn giá trị sử dụng, liên đội tổ chức trao tặng cho các đội viên, thiếu nhi khó khăn hoặc các đơn vị kết nghĩa. Đối với giấy vụn, phế liệu, liên đội xử lý để tạo nguồn kinh phí thực hiện các nội dung của phong trào.

Thứ hai, thông qua lao động của đội viên, thiếu nhi: Tùy điều kiện thực tế tổ chức để cho đội viên, thiếu nhi lao động, như trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm, làm các sản phẩm thủ công (ưu tiên các sản phẩm sử dụng vật dụng tái chế); làm vệ sinh trong khuôn viên nhà trường như mô hình Vườn ươm măng non, Đàn gà Khăn quàng đỏ…; Tổ chức ngày hội, hội chợ để trưng bày và bán các sản phẩm thông qua lao động của thiếu nhi; hoặc báo cáo Ban Giám hiệu nhà trường trích một phần kinh phí trong công tác vệ sinh để tạo nguồn kinh phí thực hiện các nội dung của phong trào.

Thứ ba, thông qua các hoạt động tiết kiệm khác của thiếu nhi: Các liên đội có thể chủ động triển khai các mô hình hoạt động tiết kiệm khác của thiếu nhi phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và đảm bảo mục đích, tôn chỉ của phong trào, có ý nghĩa giáo dục thiếu nhi. Quan tâm, phát triển và duy trì các mô hình "Kế hoạch nhỏ" gắn với giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động tiết kiệm khác được quyên góp để hỗ trợ, giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức trao tặng trong dịp Trung thu, Tết nguyên đán, xây dựng nhà "Khăn quàng đỏ", xây Nhà vệ sinh, tặng Không gian đọc sách và tương tác sinh hoạt Đội, Thư viện xanh hướng về biển đảo quê hương, Khu vườn trí thức xanh, Bảo hiểm y tế cho em…

Cô giáo giúp các em học sinh thu gom giấy hưởng ứng phong trào “Kế hoạch nhỏ" 

PV: Theo ông, trong triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” hiện nay cần lưu ý những vấn đề gì?

Ông Lê Anh Quân: Để đảm bảo đúng mục tiêu, tôn chỉ của phong trào “Kế hoạch nhỏ”, trong quá trình triển khai, Hội đồng Đội các cấp và các cơ sở Đội cần:

Thứ nhất, chỉ vận động, khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để thiếu nhi tham gia phong trào với hình thức phù hợp với điều kiện của bản thân, gia đình. Không bắt buộc thiếu nhi đóng góp nếu các em không có điều kiện tham gia. Việc biểu dương thiếu nhi tích cực tham gia phong trào phải trên cơ sở tính tích cực, chủ động, thường xuyên làm “Kế hoạch nhỏ”  của các em. Tuyệt đối không dựa vào số lượng đóng góp để tuyên dương và đánh giá thi đua đối với cá nhân đội viên, thiếu nhi và các tập thể Đội.

Thứ hai, tuyệt đối không yêu cầu thiếu nhi nộp tiền mặt thay cho phế liệu (trừ hình thức nuôi heo đất); không áp đặt chỉ tiêu đóng góp của thiếu nhi; không để thiếu nhi mua giấy vụn, phế liệu bên ngoài hoặc nộp những sản phẩm không phải phế liệu (giấy trắng, đồ uống chưa sử dụng...).

Thứ ba, tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể vận động thiếu nhi đang sinh hoạt trong các nhà thiếu nhi hoặc trên địa bàn dân cư tham gia phong trào. Tổ chức các hoạt động lao động phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, hình thức và quy mô của hoạt động lao động phải phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

PV: Ông có thể cho biết nguồn thu từ phong trào “Kế hoạch nhỏ” được sử dụng như thế nào?

Ông Lê Anh Quân: Toàn bộ kinh phí thu được từ phong trào "Kế hoạch nhỏ" được giữ lại Liên đội, để xây dựng Quỹ Đội, sử dụng phục vụ xây dựng công trình măng non của Liên đội hoặc giúp đỡ các đơn vị kết nghĩa (như Nhà khăn quàng đỏ, điểm sinh hoạt, vui chơi, không gian đọc sách tương tác và sinh hoạt Đội, công trình giáo dục truyền thống, lịch sử cho thiếu nhi; công trình làm đẹp khuôn viên nhà trường; tủ sách, trang thiết bị phục vụ hoạt động Đội; hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn…).

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thu được cũng dành để phục vụ cho các hoạt động của Đội theo đúng quy định của Nhà nước, Điều lệ Đội, nhưng không quá 20% tổng kinh phí thu được từ phong trào "Kế hoạch nhỏ" của Liên đội.

Vào cuối mỗi năm học, Liên đội báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường và Hội đồng Đội cấp huyện về kết quả triển khai và tổng số kinh phí thu được từ phong trào; đồng thời xây dựng Kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí đó cho năm học tiếp theo, trọng tâm là xác định công trình măng non của Liên đội, đầu tư trang thiết bị hoạt động của Liên đội. Kế hoạch của Liên đội phải được Ban Giám hiệu nhà trường và Hội đồng Đội huyện phê duyệt; được thông qua tại Đại hội Liên đội để triển khai thực hiện.

Trong trường hợp Hội đồng Đội cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương xác định sẽ triển khai công trình măng non của cấp mình, cần vận động sự đóng góp của thiếu nhi thông qua phong trào “Kế hoạch nhỏ”, có thể tiến hành việc trích nộp kinh phí thu được từ phong trào từ Liên đội lên cấp trên, nhưng phải đảm bảo quy mô, giá trị, ý nghĩa giáo dục thiếu nhi của công trình, phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phải được triển khai trước khi bắt đầu năm học. 

PV: Chỉ tiêu cho mỗi đội viên, thiếu nhi tham gia phong trào “Kế hoạch nhỏ” được quy định như thế nào? Có được nộp tiền mặt thay cho phế liệu không?

Ông Lê Anh Quân: Đối với phong trào “Kế hoạch nhỏ” khi triển khai tới các em đội viên, thiếu nhi, Hội đồng Đội Trung ương quy định rất rõ các cơ sở Đội không được áp đặt chỉ tiêu đóng góp của thiếu nhi, không bắt buộc thiếu nhi đóng góp kế hoạch nhỏ nếu các em không có điều kiện tham gia; chỉ được phép vận động, khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để thiếu nhi tham gia phong trào với hình thức phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình. Tuyệt đối không yêu cầu thiếu nhi nộp tiền mặt thay cho phế liệu.

Việc thực hành tiết kiệm để tham gia phong trào “Kế hoạch nhỏ” là việc làm thường xuyên, liên tục, ở mọi lúc, mọi nơi đối với mỗi thiếu nhi. Các sản phẩm “Kế hoạch nhỏ” được các em thực hiện trong 1 năm (tính theo năm học). Việc tiến hành hội thu sẽ được các cơ sở Đội tổ chức 1 năm 1 lần vào cuối mỗi năm học. Mỗi liên đội bố trí 01 khu vực tập kết đồ quyên góp từ phong trào, phân thành từng loại tùy thuộc tính chất và mục đích sử dụng. Các liên đội không bố trí được địa điểm tập kết thì quy định thời gian hội thu sản phẩm để chi đội, đội viên, thiếu nhi đóng góp nhưng phải đảm bảo đúng theo quy định.

PV: Ông nghĩ như thế nào khi một số phụ huynh cho rằng phong trào “Kế hoạch nhỏ” khi triển khai cũng tạo áp lực cho phụ huynh và cả học sinh?

Ông Lê Anh Quân: Phong trào “Kế hoạch nhỏ” là một phong trào có giá trị và ý nghĩa rất lớn đối với các em đội viên, thiếu nhi. Điều này đã được khẳng định và chứng minh trong suốt lịch sử 66 năm triển khai phong trào. Với quan điểm, tinh thần và nội dung triển khai như hiện nay, phong trào “Kế hoạch nhỏ” hoàn toàn đảm bảo tính phù hợp với sự tham gia của mọi đối tượng đội viên, thiếu nhi ở mọi địa bàn khác nhau trên cả nước.

Từ thực tiễn triển khai phong trào trong nhiều năm qua, Hội đồng Đội Trung ương nhận thấy không có áp lực nào dành cho phụ huynh khi con em của họ tham gia vào phong trào này. Nếu có thì đó chỉ là cách thức triển khai ở một vài nơi chưa phù hợp đã tạo cho phụ huynh những áp lực nhưng đó không phải là vấn đề phổ biến vì hiện nay đại đa số các địa phương, đơn vị đang triển khai rất tốt phong trào này với sự đồng thuận của phụ huynh và các đơn vị nhà trường.

Số lượng đóng góp của mỗi đội viên, thiếu nhi hay kết quả tham gia phong trào “Kế hoạch nhỏ” của mỗi cơ sở Đội không phải là tiêu chí để đánh giá thi đua đối với mỗi cá nhân đội viên, thiếu nhi hay đối với các tập thể Đội; đồng thời, các em không bắt buộc phải đóng góp nếu các em không có điều kiện tham gia, không áp đặt chỉ tiêu đóng góp đối với các em nên việc tham gia phong trào này hoàn toàn không tạo cho bản thân các em hay phụ huynh của các em những áp lực nếu tất cả các cơ sở Đội triển khai thật nghiêm túc chỉ đạo của Hội đồng các cấp.

Qua đây, Hội đồng Đội Trung ương mong muốn các gia đình và phụ huynh các em hãy tạo điều kiện tốt nhất để các em được tham gia phong trào, không làm thay các em, hãy để các em tham gia phong trào với một tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, chúng ta hãy đồng hành cùng các em để các em có được những trải nghiệm tốt, những bài học quý giá khi tham gia phong trào, để những việc làm tốt của các em hôm nay sẽ hình thành nhân cách tốt đẹp của các em trong tương lai./.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực