Sự cống hiến không mệt mỏi của nữ công nhân 17 năm gắn bó với nghề

Thứ hai, 14/11/2016 15:05
(ĐCSVN) – 17 năm gắn bó với nông trường cao su, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung – công nhân khai thác Tổ 1, Đội C1, Nông trường Cao su Bến Củi, Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh không những trưởng thành, trở thành thợ bậc cao mà còn có nhiều sáng kiến, giành được nhiều giải thưởng cho cá nhân và nông trường.

Xuất thân từ gia đình có 4 thế hệ là công nhân khai thác cao su, từ nhỏ, cô bé Mỹ Dung đã biết phụ giúp cha mẹ cạo mủ và như là duyên nghiệp đến năm 18 tuổi, chị chính thức trở thành công nhân của Nông trường. Bằng tình yêu nghề như sẵn chảy trong huyết mạch lại được truyền nghề từ những người thân trong gia đình, Nguyễn Thị Mỹ Dung đã vận dụng kinh nghiệm của những người đi trước vào công việc trồng, chăm sóc vườn cây và khai thác mủ đồng thời có thêm động lực học hỏi, nhanh chóng nắm vững những kỹ thuật mới.

Công việc cạo mủ cao su gắn bó với chị Mỹ Dung suốt 17 năm qua - Ảnh: NVCC

Nhiều đêm trăn trở với việc làm thế nào để khi trồng cây sống khỏe và ít chết, chị mạnh dạn áp dụng phương pháp trồng Stum bầu, bầu cắt ngọn, bầu tầng lá, kết quả trồng đạt tỷ lệ sống 100%, cao nhất trong tổ, tỷ lệ cây đạt 5 tầng lá trên 90%. Không chỉ nắm vững kỹ thuật trồng mới, chị còn tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật, phương pháp chăm sóc cho từng nhóm cây, chăm sóc tốt 03 ha cây kiến thiết cơ bản, sinh trưởng tốt vượt chuẩn với quy trình vanh thân tăng từ 3cm đến 9cm, tạo ra vườn cây chất lượng cao, nâng cao năng suất nhiều hơn so với hiện tại.

Với nhiệm vụ khai thác mủ, nhiều năm liền chị cũng luôn hoàn thành vượt mức khoán sản lượng khai thác với trên 4.300 kg/năm. Trong quá trình làm việc, người nữ công nhân này luôn suy nghĩ làm sao để nâng cao hiệu quả công việc, giảm tiêu hao các vật tư và đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại lợi ích cho đơn vị.

Điển hình là hai sáng kiến: “Vệ sinh chén hứng mủ bằng phương pháp ủ Amoniac” không cần tốn công, giúp cho việc rửa chén nhanh, sạch hơn và giảm lượng chén bị bể từ 12% xuống còn 2%, tiết kiệm kinh phí trên 100 triệu đồng/năm cho đơn vị. Từ thực tiễn công nhân phải tiến hành cắt ngọn kiểm soát tán vườn cao su, chị Dung lại có sáng kiến “Chế tạo dụng cụ cắt cành cây cao su nhóm I”, góp phần giảm giá thành công leo cắt tỉa cành từ 15.000đ/cây xuống còn 11.000đ/cây, áp dụng cho 25.000 cây nhóm I mang lại lợi ích kinh tế trên 100 triệu đồng/năm.

Dù được lãnh đạo và đồng nghiệp yêu mến, đánh giá cao nhưng chị luôn tự nhủ phải cố gắng nâng cao tay nghề để trở thành thợ giỏi. “Ngày ngày, tôi dành thời gian luyện ngay tại phần cây của mình, cạo chuẩn từng đường dao. Tôi luôn ý thức rằng công nhân cạo mủ là công nhân kỹ thuật và khi đã liên quan đến kỹ thuật thì thao tác phải chuẩn xác, khéo léo”, nữ công nhân Nguyễn Thị Mỹ Dung nói. 

Với kỹ thuật tốt và trình độ tay nghề cao, chị được chọn là đại diện tham gia các cuộc thi thợ thu hoạch mủ cao su giỏi từ cấp nông trường, cấp công ty tới cấp ngành và giành được rất nhiều giải thưởng. Trở thành công nhân có tay nghề cao bậc 6/6, chị Dung được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cho công nhân trong tổ để anh em nhanh chóng nâng cao tay nghề. Không chỉ có thế, chị còn góp phần vào thành tích chung của đội tuyển Nông trường Bến Củi bởi vị trí dẫn đầu công ty qua nhiều năm.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (thứ 3 từ trái qua) là một trong 10 cá nhân nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2016
- Ảnh: Minh Châu

Với những nỗ lực của mình, 5 năm liền chị Nguyễn Thị Mỹ Dung là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Năm 2013, chị vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, chị còn được nhận 6 Bằng khen của Tập đoàn Cao su Việt Nam và các ngành; danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2014 và là một trong 5 cá nhân điển hình xuất nhận Giải thưởng “Cao su Việt Nam” lần thứ I năm 2015.

Là một trong những công nhân trực tiếp sản xuất được chọn báo cáo tham luận tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ III, mới đây, vào dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội, niềm vui một lần nữa lại đến với người nữ công nhân này khi chị là một trong 10 cá nhân nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2016.

“Đó là những ghi nhận khiến tôi thực sự hạnh phúc, động viên tôi tiếp tục sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa”, người công nhân sinh năm 1981 xúc động cho hay./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực