Đó là ý kiến chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Đại hội thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) lần thứ X do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức ngày 28/9 tại Hà Nội.
Đại hội có sự tham dự của 464 đại biểu ưu tú, đại diện cho các tập thể anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, chiến sĩ thi đua Tổng Liên đoàn, các điển hình tiên tiến xuất sắc là những tấm gương tiêu biểu đại diện cho các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương cho biết, đây là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của đoàn viên, CNVCLĐ và giai cấp công nhân cả nước. Đại hội lần này là dịp để tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, những ưu, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua và làm tốt công tác khen thưởng trong thời gian tới; là dịp để biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố mới qua đó tiếp tục khơi dậy truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, cổ vũ sức sáng tạo to lớn và nhiệt tình cách mạng của đội ngũ CNVCLĐ trước yêu cầu mới của đất nước; lựa chọn các đại biểu ưu tú dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và phát động thi đua giai đoạn 2020 – 2025.
|
Đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước CNVCLĐ lần thứ X
|
Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian qua, công tác thi đua ở các cấp Công đoàn có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức và biện pháp tổ chức thực hiện; đã kết hợp chặt chẽ giữa thi đua và khen thưởng, đổi mới khen thưởng theo hướng thực chất, kịp thời, đúng đối tượng và thành tích. Các phong trào thi đua yêu nước có bước trưởng thành, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, làm cho thi đua thực sự là đòn bẩy, là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ, động viên đông đảo CNVCLĐ phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao đời sống của CNLĐ, đặc biệt là giúp đỡ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, nhằm hưởng ứng có hiệu quả phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” được Tổng Liên đoàn phát động hơn 2 thập kỷ qua, đến nay phong trào tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực, có tính lan tỏa rộng lớn trong các khu vực, nhất là khu vực sản xuất - kinh doanh. Hàng nghìn sáng chế, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị và phương pháp công nghệ của CNVCLĐ được triển khai đã giúp doanh nghiệp, đơn vị khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh, đem lại lợi ích kinh tế cao; nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương có hình thức tổ chức lễ tôn vinh CNVCLĐ, cán bộ công đoàn có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác; từ phong trào thi đua về sáng kiến, giải pháp kỹ thuật có hơn 1 triệu sáng kiến với tổng giá trị làm lợi 198.690 tỷ đồng. Tổng đề tài nghiên cứu khoa học là 74.959, tổng giá trị làm lợi hoặc ứng dụng mang lại lợi ích kinh tế là 331.299 tỷ đồng.
Phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn tiếp theo với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, thi đua thúc đẩy năng suất lao động, phát triển bền vững đất nước”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, đây là thời điểm có tính bước ngoặt của tổ chức Công đoàn Việt Nam, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) được ký kết có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trực tiếp là sự phát triển của doanh nghiệp, đời sống, việc làm của người lao động và hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Trong bối cảnh đó, để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII cũng như góp phần hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 – 2025, đòi hỏi cán bộ công đoàn các cấp, đoàn viên CNVCLĐ cả nước tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hiệu suất công tác, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang biểu dương các điển hình tiêu biểu tại Đại hội |
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước ngày càng sâu rộng; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cho đất nước và tổ chức Công đoàn những thời cơ và thách thức mới. Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả to lớn hơn và truyền thống vẻ vang đã đạt được; đồng thời, phải khẳng định vai trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân cả nước trong tình hình mới.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị các cấp Công đoàn cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước tuyên truyền, vận động, nâng cao chất lượng đoàn viên công đoàn, chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng và phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, động viên, khích lệ người lao động không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng thử thách khó khăn, nỗ lực phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn của chính mình, vì sự phát triển của doanh nghiệp và góp phần vào sự phồn vinh của đất nước; tăng cường việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân tố mới, để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng trong toàn quốc, tạo động lực phát triển và lan tỏa sâu rộng trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.../