Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm tại một buổi hội thảo
do Hội LHPN Hà Nội tổ chức - Ảnh: HM
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều người dân, trang trại trồng nấm của Nguyễn Thị Thùy Linh (thôn Tiên Kha, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội) còn tận dụng nguồn vật liệu thừa trong nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa..., góp phần không nhỏ vào bảo vệ môi trường.
Vốn là sinh viên của trường Đại học Điện Lực, nhưng từ nhỏ Linh luôn có mơ ước sẽ làm giàu từ nông nghiệp. Vì vậy, năm cuối Đại học, với thành tích học tập tốt, Linh được nhận học bổng của trường. Với mong muốn được sống và làm giàu bằng chính niềm đam mê của mình Linh đã dùng số tiền học bổng đó để đăng ký học khóa kỹ thuật trồng nấm do Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam tổ chức.
“Ước mơ của em là được trồng và kinh doanh rau sạch. Tuy nhiên do thị trường rau sạch đã có nhiều người làm nên em quyết định chuyên tâm học hỏi kỹ thuật trồng nấm”. Linh chia sẻ.
Từ những kiến thức sơ đẳng tích lũy được, cộng với những chuyến đi thực tế, học qua sách vở, tivi, đặc biệt tham gia các hội nhóm kinh nghiệm trồng nấm trên mạng xã hội, Linh đã bắt tay vào thử nghiệm với số vốn ban đầu chỉ có 300.000 đồng. Sau một vụ thu hoạch, số tiền lãi gấp 3,4 lần, cô tiếp tục mua trang thiết bị, dựng lán đầu tư cho những lứa nấm sau.
Cứ như thế, những đợt thu hoạch nấm đã giúp Linh có tiền mua xe bò kéo, lò hấp phục vụ phát triển mô hình kinh tế đặc thù này. Nhận thấy hiệu quả từ nghề trồng nấm, Linh quyết định mở rộng trang trại và dần đi vào ổn định. Chỉ sau một năm khi ra trường cô đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ trang trại nấm.
Để có được những thành quả như ngày hôm nay, bản thân Linh đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách, theo Linh thử thách lớn nhất chính là vượt qua được sự phản đối của cha mẹ. Linh cho biết, để mở được trang trại nấm, với số vốn ít ỏi tích lũy được, Linh đã phải vay mượn từ người thân đến bạn bè 300 triệu để thầu khu đất rộng 1.500 m2. Sau đó, Linh đầu tư trang thiết bị, mua giống, thuê nhân công để mở trang trại…
Dù đã nghiên cứu rất kỹ tài liệu, thực hành công việc trồng nấm trong nhiều năm nhưng với quy mô trang trại lớn, Linh vẫn không thể kiểm soát được hết những rủi ro. Vì thế, thời gian đầu Linh đã thất bại vì những sai sót kỹ thuật, điều kiện thời tiết không phù hợp để nấm phát triển… Không nản lòng, vừa làm Linh vừa rút kinh nghiệm. Năm 2015, trang trại nấm của cô thành công hơn cả dự kiến khi doanh thu năm 2015 Linh thu về hơn 500 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên, với mức thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi năm trang trại nấm của Linh cung cấp hơn 3 tấn nấm/năm và doanh thu dự kiến năm 2016 sẽ hơn 1 tỷ đồng.
Năm 2016, dự kiến doanh thu tại trại nấm của Linh đạt trên tỷ đồng - Ảnh: HM
Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết, tương lai cô sẽ mở rộng thêm nhiều cơ sở trồng nấm, nâng cao chất lượng với tiêu chí chất lượng tạo nên thương hiệu vì sức khỏe chung của người tiêu dùng.
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động trong khu vực, trang trại nấm của Thùy Linh đã hình thành nên mô hình “Thu gom rơm rạ, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất nấm rơm” giúp các gia đình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Thùy Linh cũng thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nấm cho các hộ nông dân trong xã muốn thử sức làm giàu với việc trồng nấm.
Mô hình trồng nấm của Nguyễn Thị Thùy Linh là một trong những mô hình kinh tế thanh niên tiêu biểu huyện Đông Anh được Ban thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội đến tham quan và khen ngợi. Nguyễn Thị Thùy Linh đã được Huyện ủy Đông Anh tặng bằng khen Thanh niên tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015./.