Gan dạ trước quân thù
Phố cổ Hội An vào một chiều cuối tháng 7, chúng tôi đã tìm gặp CCB Đinh Văn Lời để được nghe câu chuyện về ông - người có biệt danh là “Báo đen”- khắc tinh của lính Mỹ ngụy trong thời kháng chiến và hiện là một doanh nhân thành đạt.
Sinh năm 1951, trong một gia đình có truyền thống đấu tranh chống giặc (tại Cẩm Nam, TP. Hội An, Quảng Nam), CCB Đinh Văn Lời đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia kháng chiến.
Ông kể: Tháng 3/1964, khi mới 14 tuổi, ông được tổ chức bố trí vào làm việc ở một trại mộc thuộc nội thị Hội An để kêu gọi công nhân, thợ thuyền và người lao động tham gia lực lượng vũ trang chống Mỹ ngụy và thành lập “Đội vũ trang tuyên truyền, giải phóng Hội An”, sau đó đổi tên thành “Đội Biệt động thành Hội An”.
Sau quá trình chiến đấu và trưởng thành, tháng 5/1967, ông Lời được đề bạt làm Đội trưởng Đội Biệt động thành Hội An, trực tiếp chỉ huy gần 60 người và 9 cơ sở mật. Ban ngày đi làm, ban đêm đi rải truyền đơn, biểu tình chống đối Mỹ ngụy; tổ chức nhiều vụ ám sát bọn ác ôn, đánh vào các cơ quan đầu não của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất và hoang mang.
Chiến công của Đội Biệt động thành Hội An đã được ghi trong lịch sử lực lượng Biệt động Quân khu 5. Đội Biệt động thành Hội An dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phó Bí thư Thị uỷ Trương Minh Lượng, đã tham gia 21 trận đánh, ám sát, đặt mìn, ném lựu đạn, tập kích vào cơ quan đầu não của địch; trong đó, ông Đinh Văn Lời đã trực tiếp chỉ huy đánh 15 trận, diệt 106 quân địch, 27 ác ôn, 9 xe quân sự; phá hủy 2 cơ quan đầu não của địch. Ngoài ra, Đội còn phối hợp với bộ đội tỉnh Quảng Đà và Thị đội Hội An diệt 182 tên địch...
Sau nhiều vụ ám sát, nhiều vụ nổ liên tiếp xảy, quân địch đã phải điều động thêm lính ráo riết truy tìm tung tích của toán “đặc công ám sát” và người chỉ huy có biệt danh là “Báo đen”.
Đêm mùng 4 đến rạng sáng 5/5/1968, một trận giao chiến ác liệt giữa lực lượng của ta với địch xảy ra tại chùa Lễ Nghĩa. Quân địch với số đông, bao vây ngôi chùa và tấn công nhiều đợt. Ông Lời chỉ huy Đội biệt động phối hợp với Thị đội Hội An tấn công vào một số cơ quan đầu não của địch và trên đường phố nhằm thu hút quân địch để giải vây cho các đồng chí bị địch bao vây trong ngôi chùa.
Trong trận chiến này, tuy lực lượng cách mạng đã tiêu diệt gần 100 tên địch nhưng ông Lời cùng một số đồng chí đã bị bắt giam cầm ở nhà lao Hội An, đến tháng 10/1968, bị đày ra Côn Đảo.
Trong 6 năm tù tại Côn Đảo, bị quân địch nhiều lần tra tấn với các hình thức hết sức dã man khiến ông bị liệt hai chân, nhưng ông vẫn kiên cường chiến đấu, được phân công làm Bí thư Chi bộ, Đội trưởng Thanh niên chống địch đàn áp, chống chào cờ, vạch tội ác của bọn cai ngục…
Đến tháng 2/1974, ông được trao trả lần cuối về với cách mạng, sau đó được tuyển chọn vào lực lượng An ninh khu V. Tháng 3/1976, ông xin chuyển công tác về địa phương.
Đưa sản phẩm gỗ mỹ nghệ xuất khẩu đi 14 nước
Sau ngày giải phóng, ông Lời về quê hương tham gia công tác tại chính quyền địa phương và làm kinh tế. Được bố mẹ để lại 2 sào ruộng, gia đình ông bỏ công sức làm nông nghiệp, nhưng một đợt lũ lớn đã nhấn chìm, cuốn trôi những gì vợ chồng ông gây dựng...
Từ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của cựu chiến binh Đinh Văn Lời, nhiều người thợ trẻ lành nghề được đào tạo, là những nhân lực trẻ, góp phần làm đa dạng mặt hàng thủ công mỹ nghệ Kim Bồng ngày nay.
Quyết không lùi bước trước khó khăn, phát huy truyền thống tự lực tự cường của người lính Cụ Hồ, người CCB Đinh Văn Lời quyết định quay lại với nghề mộc mà ông đã từng làm trong thời gian kháng chiến.
Ông đã thế chấp ngôi nhà cấp 4 của gia đình để vay 3 triệu đồng mở cơ sở đóng đồ mộc dân dụng. Với quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, ông từng bước xây dựng thương hiệu gỗ Kim Bồng, làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tham quan và mua sắm của du khách khi đến với Hội An.
Khi các mặt hàng gỗ gia dụng đã có chỗ đứng trên thị trường, nhiều người đặt mua, ông Lời đã sản xuất thêm các sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ và mở thêm ba cửa hàng cho trưng bày tại phố cổ Hội An.
Ông Lời cho biết, khách du lịch rất thích thú và bắt đầu đặt mua, trong đó có nhiều du khách phương Tây rất thích sản phẩm của ông.
Nắm bắt được cơ hội và nhu cầu của thị trường, ông đã đi nhiều nơi, ra Bắc Ninh học hỏi thêm kinh nghiệm, sau đó về tổ chức sản xuất thêm nhiều sản phẩm phong phú và có tính thẩm mỹ cao hơn. Nhờ vậy, đồ mộc Kim Bồng dần dần khẳng định được thương hiệu, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Pháp.
Từ cơ sở sản xuất nhỏ, năm 2001, ông quyết định thành lập Công ty TNHH sản xuất TM&DV Kim Bồng chuyên sản xuất các mặt hàng gỗ mỹ nghệ, được chạm khắc tinh xảo. Với quyết định này, ông đã giải quyết thêm việc làm cho hàng chục lao động, đối tượng chính sách. Đến nay, sản phẩm gỗ Kim Bồng đã được xuất khẩu đi 14 nước trên thế giới.
Ông Đinh Văn Lời vẫn luôn tìm tòi, suy nghĩ để đưa thương hiệu mộc Kim Bồng xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới.
Ông cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng và hàng chục tấn gạo mở Trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề miễn phí cho gần 200 người, trong đó có nhiều con em là gia đình chính sách, đồng chí, đồng đội và người tàn tật. Ngoài ra, ông cũng đóng góp hàng trăm triệu đồng, hơn 10 tấn gạo, xây dựng 3 nhà tình nghĩa cho Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Với những chiến công trong kháng chiến và những cống hiến trong thời bình, thương binh 2/4 Đinh Văn Lời đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý, Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, Thư khen của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 4 lần được dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc Cựu Chiến binh Việt Nam, 5 lần dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, thương binh sản xuất giỏi.../.