Tận dụng tối đa cơ hội từ cách mạng 4.0

Thứ sáu, 16/11/2018 20:31
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị cấp cao liên quan được đánh giá là một trong những kỳ hội nghị thành công nhất của ASEAN; khẳng định vai trò của quốc gia Chủ tịch ASEAN 2018 - Singapore với 63 văn kiện được thông qua mà điểm nhấn quan trọng là các nước ASEAN, Trung Quốc và nhiều đối tác đều nhất trí tiến tới sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tham dự và phát biểu tại 18 hội nghị, phiên họp trong khuôn khổ chuỗi sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam đã để lại những dấu ấn quan trọng, góp phần vào thành công của Hội nghị; đồng thời khẳng định vai trò của Việt Nam -  quốc gia tích cực, có trách nhiệm, đóng góp các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao vị thế của ASEAN trong khu vực và thế giới.

* 63 văn kiện được thông qua

Với sự góp mặt của các đối tác lớn gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Australia, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan là sự kiện lớn nhất trong năm của ASEAN.

 

Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 các nước tham gia đàm phán
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).


Bên cạnh việc tham dự và phát biểu tại các hoạt động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Chile, Hàn Quốc, Thủ tướng Australia, Canada, Malaysia, Quốc vương Brunei; tiếp lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp, tập đoàn là chủ đầu tư của 9 Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) tại Việt Nam. Thủ tướng cũng đã dành thời gian đến dự buổi khai trương Tuần lễ hàng Việt Nam, sự kiện duy nhất chỉ Việt Nam triển khai vào dịp này để quảng bá hàng hóa của Việt Nam.

Kết thúc các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Nhà Lãnh đạo đã thông qua 63 văn kiện làm nền tảng cho hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong các năm tiếp theo trên tất cả các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và văn hoá-xã hội. Trong đó, một số văn kiện quan trọng như: Tuyên bố chung về đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Tuyên bố 45 năm kỷ niệm Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản; Tầm nhìn Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030; Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về Khoa học công nghệ và sáng tạo; Tuyên bố chung ASEAN-Nga về Đối tác chiến lược; Tuyên bố ASEAN-Nga về Hợp tác trong lĩnh vực An ninh sử dụng Công nghệ thông tin và liên lạc; Bản ghi nhớ giữa ASEAN và Uỷ ban Kinh tế Á-Âu (EEC); Tuyên bố các Lãnh đạo ASEAN+3 về hợp tác chống kháng thuốc kháng sinh vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân...

Trong các bài phát biểu tại các hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tự cường và sáng tạo ASEAN cần tiếp tục được đẩy mạnh; đồng thời nhấn mạnh, đoàn kết, thống nhất ASEAN phải tiếp tục là nhân tố then chốt trong tư tưởng và hành động, vì một Cộng đồng ASEAN vững vàng, tự cường và liên kết chặt chẽ. ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và đối thoại xây dựng lòng tin; đề cao luật pháp quốc tế và ủng hộ một hệ thống quốc tế đa phương dựa trên luật lệ; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo để tận dụng tối đa cơ hội từ cách mạng 4.0. 

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đã chia sẻ các sáng kiến của Việt Nam về kết nối nền tảng dữ liệu số, hài hòa giá cước di động, lập Đại học công nghệ ASEAN và xây dựng mạng lưới thông tin cảnh báo sớm thiên tai ở khu vực. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, Thủ tướng nêu sáng kiến xây dựng Cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô khu vực, nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó của các nền kinh tế.

* Nỗ lực cho đàm phán RCEP

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, các nước tham dự hội nghị đều ủng hộ tự do hóa thương mại, chống chủ nghĩa đơn phương, vì vậy đã có nhiều nỗ lực trong đàm phán về Hiệp định RCEP. Mặc dù chưa thể kết thúc đàm phán năm nay nhưng các Nhà Lãnh đạo đã thể hiện quyết tâm rất cao, kêu gọi các nước nâng cao ý chí chính trị, dung hòa lợi ích để hoàn thành đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định này trong năm 2019.

Theo ông Dũng, quyết tâm chính trị và tiến bộ đàm phán RCEP rất có ý nghĩa, như một thông điệp khẳng định ASEAN và các đối tác không ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ mở cửa thương mại trên cơ sở quan tâm đến lợi ích của các nước ở các trình độ phát triển khác nhau. Đây cũng chính là quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, ủng hộ tự do hóa thương mại, tạo điều kiện cho thương mại phát triển, đồng thời cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của các thành viên, trong đó các thành viên phát triển sau cần được hưởng một số ưu đãi để có thể hội nhập tốt với các thành viên phát triển hơn.

* Sớm đạt được COC hiệu quả và thực chất

Một thành công mang tính điểm nhấn của kỳ hội nghị lần này chính là việc các nước ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất sớm nỗ lực đạt được COC hiệu quả và thực chất. Không chỉ tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc mà ở các hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh đến vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, Thủ tướng chia sẻ tình hình trên thực địa còn diễn biến phức tạp, gây quan ngại cho tất cả các bên và có thể tác động không có lợi cho ổn định ở khu vực. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục đề cao các nguyên tắc đã nhất trí về thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, xây dựng và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử chung, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982  (UNCLOS 1982), không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, triển khai đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng một COC hiệu quả và thực chất.

Những thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục thúc đẩy sự đồng thuận của ASEAN và các đối tác trong vấn đề này. Các nước ASEAN và đối tác đều nhất trí ASEAN cần tiếp tục hợp tác và xây dựng lòng tin, trong đó có đàm phán COC hiệu quả và thực chất, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, song song với việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC.

Nêu quan điểm của Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN hoàn tất COC trong vòng 3 năm tới, thực hiện đầy đủ DOC, đóng góp cho hòa bình, ổn định, tự do an toàn, hàng hải và hàng không, tự do thương mại ở Biển Đông.

Tại nhiều hội nghị, các đối tác ASEAN cũng nhất trí việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence (Mai Pen-xơ) khẳng định tiếp tục duy trì hiện diện và đóng góp đảm bảo hoà bình, an ninh, ổn định tự do và an toàn hàng hải, không quân sự hoá trên Biển Đông, tránh đối đầu, khuyến khích các bên liên quan thực hiện đầy đủ DOC, hướng tới sớm hoàn tất đàm phán COC hiệu quả và ràng buộc.

Quan điểm này cũng được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê), Thủ tướng Australia Scott Morrison (Xcốt Mo-ri-xơn) nêu ra trong các hội nghị và thể hiện sự ủng hộ lập trường của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, tự do an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, các bên tham gia đều mong sớm có văn kiện đó, nhưng có đạt được hay không còn tùy thuộc vào quá trình đàm phán. Thương lượng COC cần một môi trường thuận lợi và điều quan trọng nhất là cần đạt được một văn bản COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, đóng góp hữu hiệu vào hoà bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và cả khu vực nói chung.

Thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 một lần nữa khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN- một đối tác quan trọng thu hút được sự quan tâm của các đối tác quốc tế. Trong thành công của hội nghị lần này, sự đóng góp của Việt Nam là rất chủ động, tích cực, cụ thể và thiết thực, vừa góp phần nâng vị thế, vai trò của ASEAN, vừa làm nổi bật hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.

 

 

Quang Vũ/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực