Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho Việt Nam

Thứ hai, 20/11/2023 16:29
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới như: Tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế cũng như giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá và chuyển lợi nhuận.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 20/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Mang lại nhiều cơ hội mới cho Việt Nam

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) phát biểu. Ảnh: QH

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước), việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu đã được nhóm các nền kinh tế phát triển mới nổi hàng đầu thế giới thống nhất về nguyên tắc, giải pháp gồm hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế. Theo đó, gồm phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số và đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia.

Bên cạnh đó, diễn đàn hợp tác toàn cầu cũng đã công bố rằng hiện nay có 138 nước đồng thuận với nội dung này về khung giải pháp hai trụ cột trên. Việt Nam cũng là thành viên thứ 100, nếu không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và có quyền thu thuế bổ sung đối với doanh nghiệp Việt Nam...

Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo hướng dẫn của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Đại biểu nhấn mạnh, thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, các nước cũng cần có quy định trong hệ thống pháp luật của mình để đảm bảo phù hợp. Việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu cũng mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế cũng như giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá và chuyển lợi nhuận.

Đánh giá thận trọng, nhìn trước các rủi ro 

Đồng tình với tầm quan trọng phải trình Quốc hội xem xét phải thông qua nghị quyết, song đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) nhấn mạnh, đây là nội dung có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, trong đó có môi trường đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp triển khai Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Để có cơ sở thuyết phục hơn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá thận trọng nghiên cứu thực tiễn áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại các quốc gia có sự tương đồng với quy mô, cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tại 23 quốc gia, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15% hiện tại không bắt buộc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu. Cần đánh giá đủ chi tiết các tác động các quy định hướng dẫn thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. 

Đại biểu nhấn mạnh việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện theo quy định của OECD cần chi tiết, cụ thể, đảm bảo chủ quyền lập pháp và xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết. 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) phát biểu (Ảnh: QH) 

Nêu quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết, dự kiến việc ban hành nghị quyết này sẽ có tác động rất lớn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.

Để giảm thiểu những tác động bất lợi, đại biểu nhấn mạnh, cùng với việc ban hành nghị quyết này, Quốc hội cũng cần phải ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn nhằm đáp ứng cùng một lúc cả hai mục tiêu là thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế nước ta, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước và đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập.

Muốn vậy, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, về quan điểm phải khẳng định, việc chúng ta ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp để bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư, do họ phải nộp thuế bổ sung, vì điều này là vi phạm các nguyên tắc của OECD. Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm một nguyên tắc công bằng hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể mà chính sách của chúng ta hướng tới, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không. 

 
Đại biểu cho rằng, các lĩnh vực, dự án cần ưu tiên thu hút: lĩnh vực công nghệ cao thân thiện với môi trường, hoạt động nghiên cứu phát triển, lĩnh vực năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao và có quy mô lớn và tất cả đều nhằm tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế theo đúng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hội nhập và thu hút đầu tư trong bối cảnh mới…/.
Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực