Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng pháp luật

Thứ năm, 30/05/2019 17:28
(ĐCSVN) – Đó là đề nghị của đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (Bình Định) tại phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sáng 30/5.

Văn bản không minh bạch gây nhũng nhiễu, tham nhũng

Theo đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Bình Định), đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019 của Chính phủ có nhận định năng lực nghiên cứu, đề xuất chính sách chưa đạt yêu cầu, còn một số văn bản pháp luật quy định chồng chéo, thiếu khả thi, chậm được sửa đổi, chưa bắt kịp cuộc sống để giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Qua đó, nhận thấy được chất lượng xây dựng văn bản pháp luật còn hạn chế như: Nhiều dự án luật còn chồng chéo và có những điều không khả thi, thời gian sống của một số luật còn ngắn, sau thời gian 3 đến 5 năm thực hiện thì phát hiện bất cập và phải đề nghị sửa đổi.

ĐB Nhường chỉ ra nguyên nhân là do hiện nay, xã hội nước ta đang biến đổi nhanh, nhất là khi các công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế tác động mạnh mẽ.

Cùng với đó, tư duy chính sách hay năng lực làm chính sách của một số bộ phận, cán bộ không tốt, tư duy quản lý không được thì cấm.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định). Ảnh: TH.


“Việc cài cắm lợi ích ngầm, lợi ích nhóm vẫn còn, do vậy một số luật quy định không bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, mâu thuẫn chồng chéo với luật khác gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp”, ĐB thẳng thắn nói.

ĐB Lê Công Nhường chỉ rõ: Nguy hiểm nhất là lỗi không minh bạch. Nhiều văn bản pháp luật đưa ra có thể thể hiện theo nhiều cách khác nhau, tùy vào sự giải thích của cán bộ thực thi. Đây là mảnh đất của nhũng nhiễu và tham nhũng.

Do vậy, để khắc phục nhược điểm này ĐB Nhường đề nghị, khi xây dựng văn bản pháp luật nên mời luật sư, cộng đồng doanh nghiệp, hội nghề nghiệp và người dân hay đối tượng chịu sự tác động cử người tham gia với số lượng nhiều hơn hiện nay. Đồng thời, bố trí cơ cấu lại bộ phận làm chính sách phải tách biệt với bộ phận thực thi chính sách để loại bỏ việc cài cắm lợi ích giữa thẩm quyền cục bộ của bộ, ngành mình.

“Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong trợ giúp công tác xây dựng pháp luật, lập trình tạo nên mục tiêu giúp máy tính, người máy có thể tự động hóa các hành vi thông minh, đó là biết suy nghĩ, lập luận để giải quyết các vấn đề, phát hiện dự thảo luật có các điều khoản không tương thích với Hiến pháp, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các luật chuyên ngành trước đó…”, ĐB Nhường đề xuất.

Cũng theo ĐB Nhường, trí tuệ nhân tạo được nghiên cứu và áp dụng trong trợ giúp hành pháp và tư pháp để đảm bảo luật pháp bất vị thân và đẩy nhanh việc xử lý các vụ án còn tồn đọng khá nhiều. Tuy nhiên, ĐB cũng lưu ý, mặc dù nhờ tốc độ xử lý của máy tính và người máy nhưng tất nhiên con người vẫn phải giám sát chuyên môn.

Theo ĐB Nhường, để thực hiện được việc này cần sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị và quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ trong thời đại 4.0.

“Tôi mong muốn Chính phủ sẽ đầu tư áp dụng trí tuệ nhân tạo cho cả 3 lĩnh vực: lập pháp, hành pháp và tư pháp để tạo nền tảng phát triển đất nước”, ĐB Nhường bày tỏ.   

Cần xem xét động cơ của một số bộ, ngành chậm ban hành, kiểm tra văn bản pháp luật

Ở khía cạnh khác, ĐB Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng) nhận định, báo cáo của Chính phủ năm 2018 không có nội dung phân tích, đánh giá về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, tại phần giải pháp, Chính phủ đã đề cập tương đối kỹ và cụ thể cho thấy công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn nhiều hạn chế, bất cập.

ĐB dẫn chứng: Đầu tiên là tình trạng nợ đọng nghị định hướng dẫn thi hành luật còn phổ biến, việc chậm ban hành nghị định để thực thi khiến cho các luật không thể đi vào cuộc sống như một loạt nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến Luật Quy hoạch.

Thứ hai, sự phản ứng chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành còn chậm với việc đang có khá nhiều nghị định có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, những trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án không được miễn giảm tiền sử dụng đất. Những vấn đề này đã phát sinh và tồn tại nhiều năm nay khiến việc kêu gọi dự án xã hội hóa hết sức khó khăn.

Cũng theo ĐB Như Hoa, thời gian qua, báo chí, phương tiện truyền thông đã tốn khá nhiều công sức, giấy mực để phản ánh việc xử lý vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực và đã trở thành câu chuyện hài hước trong xã hội, hành vi về xử phạt vi phạm hành chính không còn phù hợp, không theo kịp quá trình xã hội hóa một số dịch vụ công, các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực có nhiều vấn đề bất cập, nhiều hành vi vi phạm mới nhưng không có quy định để xử lý đang làm khó các cơ quan quản lý….

“Những vấn đề bất cập này không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn gây sức ép cho cơ quan thực thi pháp luật”, ĐB Hoa nói.

ĐB Như Hoa nhấn mạnh, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn luôn là vấn đề quan trọng, hết sức cấp bách trong công tác điều hành của Chính phủ. Mặc dù Luật Ban hành quy phạm pháp luật 2015 đã quy định rất chặt chẽ về cơ chế kiểm tra, rà soát để kịp thời xử lý các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp nhưng dường như việc thực hiện công tác này còn rất hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức.

Để khắc phục triệt để vấn đề này, ĐB Hoa đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, phân tích cụ thể về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Chính phủ hàng năm. Theo đó, cần phải xem xét động cơ của một số bộ, ngành về việc chậm ban hành, chậm tham mưu ban hành, chậm kiểm tra, rà soát để đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung có nhằm phục vụ lợi ích cục bộ của bộ, ngành mình hay lợi ích nhóm hay không để có chế tài xử lý nghiêm khắc…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực