APEC 2017: Cải thiện chất lượng chính sách và thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực

Thứ năm, 23/02/2017 20:32
(ĐCSVN) - Ngày 23/2, Bộ Công Thương (MOIT) đã phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tổ chức Hội thảo “Chính sách APEC về Công nghiệp hỗ trợ”. Đây là một trong những hội thảo quốc tế quan trọng, nằm trong chuỗi hoạt động của Năm APEC Việt Nam 2017.


Các nhà tổ chức Hội thảo tin tưởng, kết quả của Hội thảo sẽ đóng góp tích cực cho thành công của Năm APEC 2017 nói chung và của Hội nghị SOM 1 nói riêng.

Phát biểu khai mạc đề dẫn Hội thảo, ông Lương Hoàng Thái, quan chức cao cấp APEC của Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết, năm 2016, APEC đã thông qua sáng kiến về “Thúc đẩy Công nghiệp hỗ trợ APEC” do Nhật Bản và Việt Nam đồng chủ trì. Kế hoạch triển khai sáng kiến thông qua 02 giai đoạn cụ thể:

Giai đoạn 1, Ban Nghiên cứu hỗ trợ chính sách APEC (PSU) đã thực hiện 03 Nghiên cứu điển hình về Công nghiệp hỗ trợ tại 03 nền kinh tế thành viên APEC là Australia, Mexico và Việt Nam nhằm phân tích, đánh giá chính sách và kinh nghiệm trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hiện đại hóa ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực APEC;

 Giai đoạn 2, Việt Nam sẽ phối hợp với Nhật Bản và PSU xây dựng Bộ hướng dẫn chính sách/Bộ thông lệ tốt về Công nghiệp hỗ trợ APEC nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng chính sách và thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực. Dự kiến Hướng dẫn chính sách/Bộ thông lệ tốt sẽ được trình lên các Bộ trưởng thông qua tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 29 (AMM 29), tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng và là một trong những kết quả quan trọng của hợp tác APEC năm 2017.

Hội thảo “Chính sách APEC về Công nghiệp hỗ trợ” thuộc khuôn khổ của Giai đoạn 1, hướng tới các mục tiêu:

Một là, nâng cao năng lực của các nền kinh tế APEC trong thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong khu vực và thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (MSMEs) vào Chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs);

Hai là, tạo cơ hội kết nối cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các bên liên quan nhằm xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ cạnh tranh và hiện đại;

Ba là, góp phần xây dựng "Hướng dẫn chính sách/Bộ thông lệ tốt" bao gồm các chính sách về ngành, về nghiên cứu và phát triển (R&D) và phát triển nguồn nhân lực v.v./.

Tôn Nữ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực