APEC 2017: Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan tiếp tục với 13 hoạt động

Thứ tư, 23/08/2017 21:10
(ĐCSVN) - Ngày 23/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp APEC (SOM3) và các cuộc họp liên quan tiếp tục với 13 hoạt động.
Cuộc họp Nhóm chỉ đạo về thương mại điện tử (ECSG). (Ảnh: Chi Mai)

Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan tiếp tục với 13 hoạt động của Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI), Ủy ban Kinh tế (EC), Nhóm chỉ đạo về Thương mại điện tử (ECSG), Nhóm về Dịch vụ (GOS), Tiểu ban về Tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC), Nhóm chuyên gia về Quyền sở hữu trí tuệ (IPEG), Nhóm công tác về Di chuyển doanh nhân (BMG), Nhóm đối thoại về Hóa chất (CD) và Liên minh APEC về Kết nối chuỗi cung ứng (A2C2).

Nổi bật trong số các hoạt động ngày hôm nay là Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Năm Bộ trưởng và nhiều Lãnh đạo Bộ Y tế các nền kinh tế thành viên, cùng gần 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC và các tổ chức quốc tế đã đến tham dự.

Phát biểu định hướng cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với thách thức về sức khỏe con người, già hóa dân số đang tăng và diễn biến nhanh. Việc đầu tư cho y tế là hết sức cần thiết và cấp bách, và mọi người dân có quyền bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế với chất lượng tốt nhất.

Về các nỗ lực của Việt Nam trong chăm sóc sức khỏe người dân, Phó Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam đã vận động được hơn 82% người dân tham gia bảo hiểm y tế nhà nước và ký kết khoảng 16 triệu hợp đồng bảo hiểm với các công ty, tập đoàn khác. Chính phủ Việt Nam cũng dành một khoản tiền lớn để hỗ trợ người nghèo tham gia bảo hiểm. Nhằm góp phần nâng cao đóng góp của APEC đối với các nỗ lực toàn cầu về giảm bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe, Phó Thủ tướng đề nghị cuộc họp thảo luận thực chất và chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư về y tế.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, bảo hiểm y tế toàn cầu là một mục tiêu cụ thể trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), đồng thời là nền tảng kết hợp các chương trình và hành động vì sức khoẻ và phát  triển. Việc sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả và chiến lược, thiết lập mô hình dịch vụ phù hợp, đề ra các quy định về chất lượng và an toàn dịch vụ y tế và nâng cao nhận thức của người dân đều đóng vai trò quan trọng hướng tới bảo hiểm y tế toàn cầu .

Bộ trưởng cũng đề nghị cuộc họp thảo luận những thách thức trong việc huy động nguồn tài chính từ cộng đồng một cách hiệu quả; nghiên cứu và áp dụng các sáng kiến của chính phủ và cộng đồng nhằm mở rộng diện tiếp cận với các dịch vụ y tế; và thảo luận các sáng kiến hợp tác nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đề ra trong Lộ trình vì một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020.

Cuộc họp cũng thảo luận sôi nổi về các vấn đề: cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thành viên đang đối mặt với các vấn đề như chi vượt ngân sách, y tế kém phát triển ở vùng sâu vùng xa...; đánh giá quá trình hoàn trả vốn đầu tư công trong y tế; và triển khai các cơ chế tài chính y tế linh hoạt trong khu vực APEC. Cuộc họp sẽ tiếp tục trong sáng ngày mai, 24/8.

Hai Hội thảo do Ủy ban thương mại và đầu tư (CTI) tổ chức về áp dụng các chuẩn dữ liệu toàn cầu (GDS) đối với các chuỗi cung ứng và các tiêu chuẩn quảng cáo đã thảo luận sâu các nội dung và đề xuất nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hài hòa hóa chính sách ở khu vực trong các lĩnh vực liên quan.

Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) đã tổ chức Hội thảo tăng cường năng lực chuyên gia quản lý chính sách Hiệp định WTO về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, tập trung vào các vấn đề: thuận lợi hóa thương mại, thống nhất các tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy tham gia vào quá trình tiêu chuẩn hóa quốc tế, các điển hình chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, an toàn thực phẩm và hàng hóa, đề xuất thỏa thuận công nhận lẫn nhau về thiết bị điện – điện tử, giáo dục, về tiêu chuẩn và hợp chuẩn, và tương tác với doanh nghiệp.

Các Nhóm công tác Thẻ đi lại cho doanh nhân APEC (ABTC) và Di chuyển doanh nhân (BMG) bắt đầu ngày hoạt động đầu tiên trong dịp SOM 3. Các đại biểu đã trình bày đề xuất về tích hợp nội dung trang thông tin điện tử về ABTC và BMG vào trang thông tin điện tử của Ban thư ký APEC quốc tế (http://apec.org), quản lý chương trình hệ thống ABTC và quản lí rủi ro của Kế hoạch ABTC…

Tiếp tục các ngày làm việc trước, cuộc họp của Nhóm chỉ đạo về Thương mại điện tử (ECSG) đã nghe báo cáo về các tiến triển trong chính sách bảo vệ dữ liệu và thương mại điện tử của EU, và báo cáo của Tiểu ban Bảo mật dữ liệu. Cuộc họp cũng bầu ra Chủ tịch mới và đề ra chiến lược hợp tác cho năm 2018.

Tại Hội thảo về việc xây dựng Bộ nguyên tắc không ràng buộc đối với các quy định trong nước của ngành dịch vụ của Nhóm về dịch vụ (GOS), các đại biểu đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, trong đó có việc minh bạch hóa ngành dịch vụ; hàng hoá và dịch vụ môi trường; tăng trưởng xanh; và các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới. Ngoài ra, các đại biểu đã nêu bật những đóng góp của mình nhằm hiện thực hóa các ưu tiên của APEC 2017.

Trong khuôn khổ Nhóm đối thoại về Hóa chất (CD) đã diễn ra Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý hóa chất. Các vấn đề như các ưu tiên và thách thức đối với ngành công nghiệp hóa chất, việc cập nhật các quy định về quản lý hóa chất ở các nền kinh tế thành viên đã được các đại biểu đưa ra thảo luận sôi nổi.

Liên minh APEC về kết nối chuỗi cung ứng (A2C2) đã tiến hành cuộc họp lần thứ 7. Nội dung chính của cuộc họp là cập nhật tình hình triển khai các dự án nâng cao năng lực chuỗi cung ứng APEC và việc thực hiện Kế hoạch hành động kết nối chuỗi cung ứng 2 (SCFAP II). Đại diện các doanh nghiệp tư nhân cũng trình bày ví dụ về một số điểm nghẽn được nêu tại SCFAP II và đề xuất các biện pháp giúp chính phủ và các đối tác xử lý các vấn đề này.

Hội thảo về triển vọng cho tương lai hợp tác APEC – OECD về các điển hình chính sách đã diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy ban kinh tế (EC). Hội thảo đã thảo luận việc áp dụng Danh mục kiểm tra tích hợp APEC/OECD, cập nhật những tiến bộ trong cải cách luật pháp liên quan đến các biện pháp nêu trong Danh mục, và đề xuất phương án hợp tác giữa APEC và OECD trong tương lai.

Cũng trong ngày hôm nay, Nhóm chuyên gia về quyền sở hữu trí tuệ (IPEG) tiếp tục ngày làm việc thứ hai với Hội thảo về cơ hội và thách thức nhằm thương mại hóa giống cây trồng mới cho các nền kinh tế đang phát triển và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. /.

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực