APEC 2017: Trao đổi các biện pháp thực thi về xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận

Thứ tư, 22/02/2017 19:27
Chiều 22/2, tại Nha Trang (Khánh Hòa), Hội thảo triển khai Chương trình hành động về chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính Việt Nam) chủ trì đã kết thúc.

Hội thảo triển khai chương trình hành động về xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận trong APEC. Ảnh: vov.vn

Hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra đó là thảo luận các cơ hội, thách thức và chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc thực hiện các biện pháp thực thi về xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, liên quan đến những hành động từ 2016-2017 trở đi.

Trong đó, Hội thảo tập trung thảo luận chuyên sâu về 4 tiêu chuẩn tối thiểu xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận, diễn đàn hợp tác thực hiện xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận và Hiệp định đa phương (MLI). Tất cả các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đều nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận; các ảnh hưởng đối với sự công bằng, hiệu quả của hệ thống thuế quốc tế.

Hội thảo bàn về những thách thức mà các thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương phải đối mặt, trao đổi giải pháp giải quyết các vấn đề phát sinh. Đối với Diễn đàn hợp tác thực hiện xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận, theo số liệu thống kê, có 76% thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tham gia Diễn đàn này. Việc tham gia Diễn đàn tạo ra các cơ hội cho các thành viên không phải là thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế và các nước trong nhóm các nước đang phát triển - G20 được tham gia vào các nỗ lực quốc tế trong việc chống lại các hành vi trốn thuế qua biên giới. Việc tham gia Diễn đàn hợp tác thực hiện xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận sẽ cần tập trung rất nhiều nguồn lực và phụ thuộc nhiều vào các mục tiêu chính sách cũng như các quy định của mỗi nền kinh tế thành viên.

Hiệp định đa phương được xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho việc sửa đổi hệ thống các Hiệp định thuế song phương hiện hành để thực thi các biện pháp thuế liên quan trong khuôn khổ sáng kiến xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Khoảng 40% trong tổng số các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần là của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và 19% các nền kinh tế thành viên đã xác nhận sẽ tham gia ký kết Hiệp định đa phương vào tháng 6/2017. Đây là thông tin đáng mừng, là nền tảng tích cực cho việc thực thi Kế hoạch hành động xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận trong Năm APEC 2017.

Tại Hội thảo, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã đồng ý cách tiếp cận cùng hợp tác để thực thi xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Một kế hoạch hành động cho năm 2017 với những hành động cụ thể được thống nhất và đưa vào báo cáo của Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương vào ngày 23/2 và báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 10/2017.

Thu Phương/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực