APPF-26 với chủ đề: Vun đắp cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương gắn kết và phát triển bền vững (Ảnh: TTXVN)
Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương được thành lập năm 1993, với sự tham gia của 27 Nghị viện thành viên gồm: Australia, Campuchia, Canada, Costa Rica, Chile, Colombia, Trung Quốc, Ecuador, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, quần đảo Marshalls, Mexico, Micronesia, Mông Cổ, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngoài ra, Nghị viện Brunei tham gia với tư cách là quan sát viên.
Diễn đàn nhằm tăng cường trao đổi giữa các nghị sĩ trong khu vực về các vấn đề an ninh - chính trị, hợp tác kinh tế-thương mại, văn hóa và giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực. Đây cũng là kênh hỗ trợ cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Đây là lần thứ hai Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức APPF-26. Việc đăng cai Diễn đàn APPF góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao Nhà nước ta, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF. Hội nghị APPF- 26 diễn ra trong bối cảnh APPF tròn 25 năm hình thành và phát triển, sẽ là một dấu ấn mới trong lịch sử của APPF, đồng thời đặt ra yêu cầu phải đổi mới chương trình nghị sự, xác định tầm nhìn mới cho APPF trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Hội nghị APPF- 26 thúc đẩy vai trò của các nghị viện đối với hoạt động hợp tác của APEC, phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam trên kênh nghị viện.
Chủ đề của Hội nghị là “Quan hệ đối tác nghị viện vì Hòa bình, Sáng tạo và Phát triển bền vững” phản ánh xu hướng phát triển của quan hệ quốc tế, ngoại giao nghị viện và định hướng cho các phiên thảo luận toàn thể của Hội nghị, hướng tới có Tuyên bố chung khẳng định cam kết của nghị viện các nước thành viên trong hợp tác kinh tế, văn hóa và phát triển khu vực vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm. Hội nghị thường niên APPF-26 là hành động thiết thực của các Nghị sỹ ủng hộ Tuyên bố Đà Nẵng về “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung” mà Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 đã thông qua. APPF và APEC sẽ tiếp tục song hành, góp phần thúc đẩy vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
APPF-26 lần này có sự tham dự của 22 đoàn nghị viện thành viên, trong đó có 7 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội. Tham dự sự kiện này còn có Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới, nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới; Tổng thư ký Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA).
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự gắn bó giữa Việt Nam với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong hơn 20 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung của Diễn đàn. Tiếp nối ngay sau thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC-2017, trong những ngày đầu năm 2018 này, Quốc hội Việt Nam là chủ nhà của Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương.
Việc Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức APPF- 26 là triển khai tích cực chủ trương, đường lối đối ngoại đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra, đó là: “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”. Việc đăng cai và tổ chức APPF- 26 là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao của Nhà nước ta. Hội nghị cũng sẽ là dịp để tăng cường ngoại giao song phương giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là lần thứ 2 Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên APPF sau lần đầu tiên là Hội nghị lần thứ 13 tại Hạ Long vào tháng 1/2005, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF, truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh Quốc hội đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm trong bạn bè quốc tế.
Hội nghị APPF- 26 lần này có sứ mệnh quan trọng trong việc định hướng cho các nghị viện thành viên APPF về một Tầm nhìn cho APPF, một tương lai chung cho tất cả mọi thành phần với sự đóng góp và sáng tạo của các nghị viện thành viên nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia và mọi người dân. Với chủ đề chung của Hội nghị là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”, nghị sĩ các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ thảo luận các định hướng cho Diễn đàn trên những vấn đề then chốt như:
Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Các nghị sĩ sẽ nêu những vấn đề quan trọng, nổi bật liên quan tới hòa bình, an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương như tình hình bán đảo Triều Tiên, tình hình an ninh hàng hải, vấn đề an ninh mạng… trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, nhấn mạnh vai trò trọng tâm của ngoại giao nghị viện.
Hội nghị cũng sẽ trao đổi về đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia. Các nghị sĩ sẽ thảo luận, đánh giá lại tình hình hiện nay, nhất là nỗ lực chung chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Các nghị sỹ có một vai trò quan trọng khi là cầu nối giữa người dân và chính quyền, do đó có thể góp phần đẩy lùi tội phạm, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố thông qua nâng cao chất lượng luật, giám sát thực thi các chính sách bảo đảm đối xử bình đẳng giữa mọi người dân, nêu cao tinh thần đối thoại, hợp tác cũng như nguyên tắc pháp quyền và các cam kết quốc tế có liên quan.
Hội nghị sẽ nghe thông báo về Kết quả của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, thảo luận các nội dung hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, chia sẻ những quan điểm của Nghị viện và đóng góp vào nỗ lực của khu vực hướng tới mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Các nghị sỹ cũng sẽ thảo luận về vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; vấn đề an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số. Đây là những nội dung bám sát các nội dung quan trọng của Hội nghị Cấp cao APEC-2017. Các nghị sĩ sẽ phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn từ vai trò của mình đối với các vấn đề như phát triển chuỗi giá trị toàn cầu, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại dịch vụ và đầu tư, loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan, phát triển thương mại điện tử, nâng cao năng lực tham gia các FTA thế hệ mới, kết nối khu vực; đảm bảo an ninh lương thực thông qua những hành động, giải pháp cụ thể; kinh nghiệm trong hoạt động của nghị viện nhằm phát triển các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa.
Về các vấn đề hợp tác tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, các nguồn lực cho phát triển bền vững và đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực. Thông qua chức năng quyết định ngân sách, phân bổ ngân sách, nghị viện giữ vai trò quyết định thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Nghị viện phải tạo thuận lợi cho quy trình hoạch định, thực hiện và đánh giá mức đóng góp tài chính của mỗi quốc gia nhằm thúc đẩy những bước tiến trong mức độ đóng góp tài chính quốc tế hiện nay đối với mục tiêu ứng phó toàn cầu đối với biến đổi khí hậu trong bối cảnh phát triển bền vững. Các nghị sỹ cũng sẽ trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm tốt trong hành động của nghị viện để nâng cao hiệu quả hợp tác về văn hóa và du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới và khu vực trở thành một thể kết nối toàn cầu, đa dạng về văn hóa, xã hội.
Hội nghị cũng thảo luận về những sáng kiến để nâng cao hiệu quả thực chất, vai trò của APPF đối với hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững và tăng trưởng cho tất cả ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Đồng thời, trong chủ đề này, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về một số công việc khác của APPF như sửa đổi quy chế hoạt động APPF, trong đó có bổ sung về Hội nghị nữ nghị sỹ APPF.
Trong khuôn khổ hội nghị, cuộc họp Nữ Nghị sĩ APPF cũng sẽ tập trung vào chủ đề Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung. Bình đẳng giới là mục tiêu số 5 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và là một ưu tiên hàng đầu đối với mọi quốc gia, là một chuẩn mực để đánh về sự phát triển và tiến bộ xã hội. Nghị viện cần phải giữ vai trò then chốt ở cấp quốc gia và quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu này. Điều quan trọng là phải khuyến khích các nữ nghị sỹ tham gia sâu hơn vào các phiên thảo luận, cùng hành động để thúc đẩy bình đẳng giới.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển APPF, ghi dấu ấn một giai đoạn phát triển mới của APPF, Quốc hội Việt Nam đề xuất dự thảo Tuyên bố APPF Hà Nội- Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á- Thái Bình Dương. Bản Tuyên bố sẽ đảm bảo tính kế thừa của APEC cũng như phù hợp với các Tuyên bố dấu mốc mà APPF đã từng thông qua để nhấn mạnh những cam kết của các nghị viện thành viên vì mục tiêu chung, lợi ích chung dựa trên những nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự đa dạng về thể chế chính trị, văn hóa, tôn giáo của nhau, nêu cao nguyên tắc pháp quyền và luật pháp quốc tế; thúc đẩy hợp tác khu vực châu Á- Thái Bình Dương trên mọi lĩnh vực; nâng cao vai trò, vị trí của APPF trở thành một đối tác của APEC, ủng hộ APEC hiện thực hóa những cam kết trong APEC thông qua những chức năng chính của nghị viện là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề ngân sách.
Trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động và một châu Á- Thái Bình Dương phát triển năng động, APPF ngày càng trở thành một diễn đàn liên nghị viện quan trọng. Trên cương vị chủ nhà của Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF, Quốc hội Việt Nam có trọng trách cùng các nghị viện thành viên phát huy tối đa vai trò của APPF trong việc xúc tác, gắn kết các bên và thiết lập vị thế là một đối tác có tiếng nói tại các diễn đàn hợp tác đa phương khác trong khu vực và trên thế giới. Với việc đăng cai tổ chức APPF-26, Quốc hội Việt Nam mong muốn tiếp tục khẳng định chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, phấn đấu cùng nghị viện các nước thành viên APPF vun đắp cộng đồng châu Á- Thái Bình Dương ổn định, năng động, gắn kết vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững.