Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC) (Ảnh MH) Tham dự Hội nghị có 80 đại biểu đến từ hơn 60 trung tâm nghiên cứu của 21 thành viên APEC. Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017 Bùi Thanh Sơn đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đây là hội nghị thường niên của Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC quy tụ các học giả, các viện nghiên cứu ở châu Á – Thái Bình Dương để chia sẻ về những vấn đề lớn trong khu vực, đề xuất các biện pháp thúc đẩy hợp tác và các khuyến nghị nhằm cụ thể hóa các nội dung ưu tiên của APEC trong năm 2017.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, đã nêu bật ý nghĩa của chủ đề và các ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2017, đồng thời nhấn mạnh "Kể từ khi thành lập năm 1993, Mạng lưới các Trung tâm Nghiên cứu APEC (ASCC) luôn đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu trong khu vực. Đặc biệt, các học giả trong khu vực luôn tiên phong khởi xướng các ý tưởng mới, góp phần định hướng tầm nhìn và mục tiêu của APEC. Trong vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam mong muốn ASCC sẽ tiếp tục đóng góp tích cực và cụ thể hơn vào các kết quả lớn của Năm APEC 2017, đặc biệt là vào việc định hình APEC hướng tới 2020 và tương lai."
Phát biểu tại phiên khai mạc, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ nghiên cứu chính sách của Ban Thư ký APEC (PSU) Denis Hew đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với hợp tác APEC cũng như ý nghĩa của Năm APEC 2017. Ông cũng khẳng định giới nghiên cứu luôn đồng hành với Việt Nam và các nền kinh tế thành viên trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Năm APEC 2017.
Trong 02 ngày làm việc, Hội nghị đã tiến hành 7 phiên thảo luận về triển vọng khu vực châu Á – Thái Bình Dương; vai trò và tính năng động của APEC trong tình hình mới; thúc đẩy tự cường và tăng trưởng bền vững, bao trùm ở các nền kinh tế thành viên; tăng cường phát triển nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ ở châu Á – Thái Bình Dương; phương hướng thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng hơn; các chính sách để tạo thuận lợi cho di chuyển lao động trong APEC; vấn đề nâng cao năng lực và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).
Các đại biểu gặp gỡ bên lề Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC (Ảnh: MH) Chia sẻ đánh giá về cục diện thế giới và khu vực, các đại biểu cho rằng những diễn biến mới nổi lên gần đây có thể đặt ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế khu vực, việc hoàn tất mục tiêu Bogor cũng như xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020. Trong bối cảnh đó, các thành viên APEC cần có cách tiếp cận tổng thể, tạo cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với các nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Hội nghị đã gợi mở nhiều ý tưởng, biện pháp nâng cao sự năng động của APEC, khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình, là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới. Các ý kiến trong Hội nghị đã nêu bật vị thế của châu Á – Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu, với tỷ trọng GDP khu vực trong GDP toàn cầu đạt tới 53,9% (vào năm 2015) và tập hợp 5 trong số 10 nền kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất thế giới.
Các đại biểu cũng tập trung trao đổi về các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững ở các nền kinh tế thành viên trong bối cảnh gia tăng nhiều thách thức lớn như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia… Hội nghị đề xuất nhiều khuyến nghị thúc đẩy nền kinh tế tự cường, thân thiện môi trường hướng tới phát triển bền vững, đề cao vai trò của APEC trong hoàn tất các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và các biện pháp quản lý khủng hoảng.
Các diễn giả nhấn mạnh vai trò then chốt của nguồn nhân lực và sáng tạo công nghệ trong thúc đẩy khả năng cạnh tranh và triển vọng phát triển kinh tế của các nền kinh tế thành viên, cho rằng thời đại công nghệ số càng đòi hỏi cách tiếp cận mới đối với giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Các đại biểu đề xuất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác giáo dục và khoa học công nghệ nhằm gia tăng trao đổi thương mại và liên kết khu vực.
Trao đổi về triển vọng của liên kết kinh tế khu vực, Hội nghị đánh giá những mặt thuận và không thuận và triển vọng của những sáng kiến liên kết kinh tế khu vực, gợi mở hướng liên kết kinh tế khu vực vừa bảo đảm sự bền vững và công bằng xã hội, nhất là trong bối cảnh xu hướng hoài nghi toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Khuôn khổ APEC về di chuyển lao động là sáng kiến do Việt Nam và Ốt-xtrây-lia đồng chủ trì. Mục tiêu của Khuôn khổ là tạo thuận lợi cho việc di chuyển lao động giữa các nền kinh tế APEC. Trong phiên thứ sáu của Hội nghị, các đại biểu APEC đã cùng nhau thảo luận về chính sách đối với lao động nhập cư trong APEC, những khó khăn trong việc thúc đẩy thuận lợi hóa di chuyển lao động, đồng thời nêu những vấn đề cụ thể liên quan tới chính sách nhập cư, xuất khẩu lao động tại các nền kinh tế thành viên.
Tại phiên thảo luận cuối cùng, các đại biểu đã trao đổi về các giải pháp nhằm nâng cao năng lực và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Nhiều ý kiến cho thấy MSME đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng của các nền kinh tế APEC, song vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính, xây dựng mạng lưới đối tác và nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Để thích nghi với những xu thế và thách thức mới trong khu vực, MSME cần xây dựng lợi thế cạnh tranh dựa vào áp dụng công nghệ mới và thương mại điện tử. Một số hướng giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và xây dựng mạng lưới các MSME, tăng cường sự tham gia của MSME trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng đã được đề cập đến.
* Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC) là mạng lưới gồm hơn 50 trung tâm nghiên cứu của 21 thành viên, được thành lập theo sáng kiến của các nhà Lãnh đạo APEC năm 2006 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu và tăng cường phối hợp giữa các học giả về các vấn đề hợp tác khu vực. Là nền kinh tế chủ nhà, hiện Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng điều hành của Cơ quan hỗ trợ nghiên cứu chính sách của Ban Thư ký APEC (PSU) và chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên của ASCC./.