Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đấu giá tài sản.
(Ảnh: An Đăng - TTXVN)
Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về đấu giá nợ xấu vì cho rằng việc quy định cụ thể ngay trong Luật là không phù hợp, không đảm bảo sự linh hoạt. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình vì cho rằng, để tạo điều kiện cho việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sử dụng nguồn tiền có nguồn gốc ngân sách vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật Đấu giá tài sản, nhưng giao Chính phủ hướng dẫn về trình tự, thủ tục đấu giá đối với loại tài sản này.
Đề cập đến vấn đề phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, tách bạch những vấn đề liên quan đến trước và sau khi tổ chức cuộc đấu giá như: niêm yết việc đấu giá tài sản, thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, xử lý tiền đặt trước và chuyển quyền sở hữu tài sản... Đồng thời, bổ sung các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản, VAMC, đấu giá viên, người tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan làm cơ sở áp dụng chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho hay, việc đấu giá tài sản những năm gần đây được thắt chặt, hạn chế được tiêu cực, đem lại lợi ích cho đất nước và tinh thần Luật Đấu giá tài sản cũng theo hướng đó. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tiêu cực, kẽ hở trong đấu thầu, đấu giá vẫn là vấn đề nhức nhối, cần tính toán.
“Ví dụ đấu giá làm từ thiện thì thủ tục đơn giản, gọn nhẹ nhưng hiệu quả cao. Trong khi đó đấu thầu, đấu giá tài sản thì thủ tục nhiêu khê, rườm rà nhưng hiệu quả thấp. Chúng ta nên suy nghĩ điều này” – ông Võ Trọng Việt dẫn chứng.
Ông Võ Trọng Việt cho biết thêm, đối với doanh nghiệp mà cơ quan thẩm quyền xác nhận không đúng năng lực thì phải cấm tham gia. “Thực tế có doanh nghiệp èo uột nhưng hồ sơ đấu thầu thì hoành tráng. Có nhiều bài học rồi, đấu thầu, đấu giá xong rồi thậm chí xuất hiện nhiều công ty ma. Vậy ai kiểm soát và chịu trách nhiệm thì Luật này chưa làm rõ” – ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Võ Trọng Việt đề nghị thủ tục, quy trình đấu thầu cũng cần rà lại vì dù đầy đủ quy trình, thủ tục nhưng người ta vẫn lợi dụng được. Do đó cần nghiên cứu kỹ thiết kế các quy định để người tham gia đấu giá nghĩ đến lợi ích tổng thể và muốn lợi dụng, muốn “lách” cũng không làm được.
Bàn về việc Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến bày tỏ không yên tâm khi tài sản của Nhà nước lại giao cho công ty VAMC có quyền lựa chọn tự đấu giá. “VAMC là mô hình mới, rất mới ngay cả trên thế giới, tính hiệu quả chưa được tổng kết, đánh giá. Bây giờ đưa vào luật thì phải tính” - ông Chiến nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ băn khoăn vấn đề này: “Các ngân hàng nợ xấu thành lập ra VAMC. Rồi VAMC mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nói mua nhưng hạch toán hết, chứ không có tiền để mua. Thành ra báo cáo nói nợ xấu còn 3%, dưới 3% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội là chưa chính xác. Nó “treo” ở chỗ này. Tức là giảm nợ xấu của ngân hàng A, ngân hàng B, ngân hàng C, nhưng cuối cùng phần giảm đó đem về để ở VAMC. Phần nợ xấu này còn chưa bán được. Bây giờ lại giao cho VAMC đi đấu giá, tôi thấy không bảo đảm tính minh bạch, không rõ ràng, nên cân nhắc điều này”.
Thêm nữa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chỉ nên đưa tên các loại tài sản đấu giá vào luật chứ không nên đưa tên tổ chức đó vào luật. “Tại sao lại có một đặc ân giao cho một doanh nghiệp mới thành lập gần đây, khi mà chưa đánh giá được có hiệu quả hay không? Nợ xấu còn treo ở đó. Đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm điều này để khi ở tầm luật rồi thì tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng thì áp dụng bình đẳng chứ không phải có một đặc ân ở đây” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.