Báo Đại biểu Nhân dân đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Thứ ba, 03/10/2023 18:06
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trên chặng đường 35 năm qua, Báo Đại biểu Nhân dân đã liên tục kế thừa, phát huy, hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang là “Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và cử tri”.

Chiều 3/10, tại Nhà Quốc hội, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 35 năm thành lập (05/10/1988 - 05/10/2023).

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động Hạng nhất cho báo Đại biểu Nhân dân. Ảnh: Hồ Long

Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân... gửi lẵng hoa chúc mừng.

Cùng dự Lễ kỷ niệm có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu các bộ, ngành trung ương.

Thực sự trở thành “cầu nối” tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng những thành tựu mà Báo Đại biểu Nhân dân đã đạt được trong chặng đường 35 năm qua.

Kỷ niệm 35 năm thành lập Báo Đại biểu Nhân dân (Nguồn: vtvgo.vn) 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trên chặng đường 35 năm qua, Báo Đại biểu Nhân dân đã liên tục kế thừa, phát huy, hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang là “Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và cử tri”. Báo đã được củng cố về tổ chức, cán bộ; tăng cường về cơ sở vật chất; trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, nghiệp vụ và chất lượng công tác, thực sự trở thành “cầu nối” tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân.

Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Báo tiếp tục có những bước phát triển mới, đã chủ động đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng tuyên truyền trên các nền tảng số, mở rộng phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm, gần gũi, kết nối sâu rộng tới hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp, tới cử tri, Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với các hoạt động của Quốc hội, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đổi mới, hành động quyết liệt của Quốc hội; khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò là một trong hai cơ quan thông tin chủ lực của Quốc hội với bản sắc riêng, ấn tượng về tính “Chuyên nghiệp, chính xác, bổ ích, nhân văn và hấp dẫn”.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Trong dịp kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã phát biểu “Báo chí cần giữ vững vị thế, sứ mệnh là một trong những nhân tố quan trọng góp phần kiến tạo và đổi mới Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

"Vì vậy, Báo Đại biểu Nhân dân cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể; chủ động thực hiện hiệu quả vai trò là “Tờ báo của Quốc hội”, góp phần tích cực vào việc thực hiện các quyết sách của Quốc hội và của Hội đồng nhân dân", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh. 

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Báo Đại biểu Nhân dân phải là cơ quan thực sự đoàn kết, thống nhất cao, vững mạnh về mọi mặt, xây dựng cơ quan văn hóa, môi trường văn hóa; kiên định với lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo. Chú trọng việc thực hiện tốt trách nhiệm chung của báo chí cách mạng Việt Nam là đóng góp quan trọng vào việc mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; tham gia tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả thế mạnh riêng có để Báo Đại biểu Nhân dân trở thành một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong chuyển đổi số của các cơ quan báo chí trong cả nước. Đồng thời cần không ngừng tự học, tự nghiên cứu, có sự đầu tư nghiêm túc, công phu trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...

Khẳng định vị thế và sứ mệnh vẻ vang 

Đọc diễn văn ôn lại chặng đường 35 năm thành lập và phát triển của Báo Đại biểu Nhân dân, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh, Báo Đại biểu Nhân dân vô cùng vinh dự và tự hào được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước khi tròn 35 năm tuổi.

"Chặng đường 35 năm so với 1 tờ báo chưa phải là dài, nhưng Báo Đại biểu Nhân dân đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế và sứ mệnh vẻ vang là Tiếng nói của Quốc hội, Diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri", Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh. 

35 năm qua, kể từ ngày đầu thành lập (5/10/1988), Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân ra mắt bạn đọc, từ 2 đến 3 tháng một kỳ; và tới năm 2002, đổi thành Báo Người Đại biểu Nhân dân, ra mắt bạn đọc hằng tuần.

Trước yêu cầu phát triển mới của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới và những nỗ lực xuất sắc trong thực hiện tôn chỉ của tờ báo, ngày 27.8.2009, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng, nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã ký Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 nâng cấp và đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Công bố Nghị quyết số 816 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là một dấu mốc quan trọng, một sự kiện đáng nghi nhớ. Kể từ nay, sau khi chính thức được ra mắt về tổ chức và hoạt động, vấn đề không phải là tờ báo được nâng cấp từ loại II lên loại I mà điều quan trọng nhất là quyền uy và uy tín của tờ báo.

Khắc cốt ghi tâm lời căn dặn từ tâm can đó, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ, kế thừa 21 năm trước đó, 14 năm qua, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động Báo Đại biểu Nhân dân không ngừng đổi mới sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội phát triển, đẩy mạnh các phong trào thi đua, với phương châm hành động “Tâm sáng, trí cao, ngòi bút sắc”. Nhất là Ban Biên tập chủ động, sáng tạo và kiên định dẫn dắt tờ báo hoạt động đúng đắn và sinh động  tôn chỉ, mục đích, thật sự là: Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri cả nước. Báo Đại biểu Nhân dân kịp thời chuyển tới cử tri cả nước những hoạt động đổi mới của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo đúng Luật Báo chí, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản Văn phòng Quốc hội. 

"Tờ báo ngày càng khẳng định vị thế và uy tín của một cơ quan báo chí chủ lực của Quốc hội, một trong 12 cơ quan báo chí chính trị chủ lực của Quốc gia với những bước phát triển mới, từng bước in dấu ấn của một tờ báo sang trọng, trí tuệ và gần gũi", Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền khẳng định.  

Tại Lễ kỷ niệm, Báo Đại biểu Nhân dân đã vinh dự đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng tập thể Báo Đại biểu Nhân dân. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực