Bảo đảm dự án luật, pháp lệnh được chuẩn bị đúng tiến độ và chất lượng

Thứ ba, 26/07/2016 15:00
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, sáng 26/7, Quốc hội thảo luận về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: TTXVN)

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo Tờ trình dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 đối với 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội và 1 dự án Pháp lệnh; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gồm 29 dự án luật và 1 dự án nghị quyết của Quốc hội và 1 dự án pháp lệnh.

Đối với một số luật được đại biểu và cử tri quan tâm như Luật biểu tình, theo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Dự án này đã được đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án Luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên đã lùi thời gian trình dự án Luật này. Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình.

Về dự án Luật dân tộc, mặc dù Chính phủ đề nghị cần ban hành Luật này nhằm pháp điển hóa các quy định về chính sách dân tộc trong một số văn bản luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng. Tuy nhiên, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội đây là dự án Luật đã được đưa vào Chương trình nhiều nhiệm kỳ Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa xác định rõ phạm vi và đối tượng điều chỉnh, quan hệ giữa dự án Luật này với pháp luật hiện hành. Vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị và sẽ trình Quốc hội đưa vào Chương trình khi đủ điều kiện.

Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, bảo đảm dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được chuẩn bị đúng tiến độ và chất lượng; tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc soạn thảo, thẩm tra, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội để bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị các dự án.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Vũ Tiến Lộc, tỉnh Thái Bình bày tỏ sự thất vọng khi chương trình không đưa nội dung xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Ủy ban thường vụ Quốc hội có lý khi nói chưa thể đưa vào chương trình vì chưa có hồ sơ nên chưa đủ cơ sở để đưa vào chương trình, nhưng ngay trong Tờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng không trình giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ chủ trì, nghiên cứu, chuẩn bị để báo cáo trình Quốc hội cho các kỳ họp tới; trong khi đây là luật rất cấp bách. Vì qua thực tiễn thực hiện các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh trong thời gian qua cũng cho thấy đang có quá nhiều bất cập cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Nhiều quy định của các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đi một đằng, luật chuyên ngành đi một nẻo. Luật Đầu tư bảo bộ, ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh, luật chuyên ngành lại vẫn giao bộ, ngành quy định giấy phép…

Cộng đồng kinh doanh kiến nghị ít nhất có 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật này cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng…đang là những nút thắt cần phải tháo gỡ sớm để tạo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị, Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ trình dự án Luật này ra Quốc hội vào cuối năm nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, TP Đà Nẵng chỉ ra những bất cập trong việc xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế chưa được khắc phục, đó là tiến độ trình dự án luật còn chậm và chất lượng dự án luật chưa tốt.

Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn diễn biến phức tạp thì việc điều chỉnh chương trình là cần thiết để xử lý các vấn đề phát sinh. Thế nhưng điều này không đồng nghĩa với việc lại tiếp tục rút khỏi chương trình không biết đến khi nào đối với một số dự án luật, trong khi Hiến pháp đã quy định và thực tiễn cuộc sống đang đặt ra như Luật biểu tình, Luật dân tộc./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực