Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Thứ hai, 25/09/2023 21:51
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Các đại biểu đã đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo TTATGT là tiếp tục xác định công tác đảm bảo TTATGT là một nội dung trọng tâm của công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trong đó lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt, có sự tham gia chặt chẽ của các cấp, các ngành; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và vận động người thân, gia đình cùng thực hiện...

Chiều 25/9, tại Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay”.

Các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân và Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đồng chủ trì hội thảo.

Cùng dự hội thảo có đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, các Cục, đơn vị chức năng của Bộ Công an, các trường Công an nhân dân, Công an các đơn vị, địa phương và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay”.

Bảo đảm TTATGT đạt được nhiều kết quả tích cực, tai nạn giao thông được kiềm chế

Phát biểu Đề dẫn tại hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh: Trong suốt thời gian qua, công tác bảo đảm TTATGT tiếp tục được Đảng, Nhà nước, Quốc hội đặc biệt quan tâm, đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân và ngành giao thông, công tác bảo đảm TTATGT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và giảm qua các năm, hạn chế ùn tắc giao thông; chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT, nhất là các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, tải trọng...

Tuy nhiên, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại, phức tạp, tai nạn giao thông tuy được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao, thiệt hại do tai nạn giao thông đối với xã hội vẫn ở mức nghiêm trọng, ùn tắc giao thông nhất là những ngày nghỉ, ngày lễ, tết chưa được giải quyết căn bản, vi phạm TTATGT vẫn còn diễn ra nhiều, những vấn đề tồn tại trên có ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí xã hội và các hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hội thảo nhằm bổ sung và làm rõ căn cứ lý luận và thực tiễn bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xử lý “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” về tai nạn giao thông; phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.

Hội thảo cũng nhằm đánh giá đúng, đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo đảm TTATGT, dẫn đoàn đối với các sự kiện cấp quốc gia và hội nghị quốc tế tại Việt Nam trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ và đối ngoại; góp phần xây dựng hình ảnh giao thông an toàn, thông suốt, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế.

Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận nhằm cung cấp luận cứ khoa học, thống nhất về mặt nhận thức về công tác bảo đảm TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng; đánh giá sự tác động của công tác bảo đảm TTATGT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.

Đồng thời, các đại biểu, nhà khoa học đã đánh giá tình hình áp dụng pháp luật, khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật có liên quan đến công tác quản lý TTATGT; công tác quản lý nhà nước về TTATGT, từ đó, phát hiện những vấn đề mới đặt ra trong tình hình hiện nay.

Hội thảo đã làm rõ trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa Cảnh sát giao thông và ngành Giao thông vận tải trong việc giải quyết điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, hướng đến việc tổ chức giao thông một cách hiệu quả, khoa học, giúp người và phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi, an toàn, thông suốt.

Đưa ra các giải pháp mang tính đột phá đảm bảo TTATGT

Tại hội thảo, nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác của các lực lượng chức năng, góp phần bảo đảm TTATGT trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. 

Phát biểu tại hội thảo, nhấn mạnh giao thông là mạch máu của nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ khẳng định công tác bảo đảm TTATGT là một nội dung trọng tâm của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, bảo đảm TTATGT phải xác định lấy con người làm trung tâm, là đối tượng phục vụ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, doanh nghiệp và người nước ngoài tham gia hoạt động giao thông trên lãnh thổ Việt Nam, phát huy được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác bảo đảm TTATGT.

Cho rằng đảm bảo TTATGT hiện là vấn đề nóng, còn nhiều bức xúc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh vấn đề thực tiễn trên đòi hỏi cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này.

Tham luận tại hội thảo, đánh giá thực trạng về quá tải hạ tầng giao thông, nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, để tiếp tục làm giảm tai nạn giao thông, nhất là số thương vong do tai nạn giao thông, cần tăng cường áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhằm đảm bảo TTATGT, chống ùn tắc, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT. Cùng với đó, xây dựng văn hoá giao thông an toàn, đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về đảm bảo TTATGT theo hướng lấy sự thay đổi hành vi của người tham gia giao thông làm tiêu chí đánh giá kết quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về đảm bảo TTATGT và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông…

Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo TTATGT như tập trung các đợt cao điểm xử lý các vi phạm về an toàn giao thông với nguyên tắc thượng tôn pháp luật; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về TTATGT, đặc biệt là giữa ngành Công an với ngành Giao thông vận tải; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác bảo đảm TTATGT tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành và thực thi công vụ trong công tác đảm bảo TTATGT…

Các đại biểu tham dự Hội thảo. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm đảm bảo TTATGT, cụ thể là tiếp tục xác định công tác đảm bảo TTATGT là một nội dung trọng tâm của công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trong đó lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt, có sự tham gia chặt chẽ của các cấp, các ngành; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và vận động người thân, gia đình cùng thực hiện. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật và minh bạch các thủ tục hành chính khi được cụ thể hoá thành các quy định của Luật; kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; xử lý “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” nguy cơ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; phát triển giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân; chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe… Cùng với công tác tuyên truyền siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông./.

Tin, ảnh: Minh Khuê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực