Bí thư Thành ủy Hà Nội: Không được phép để ngập lụt như năm 2008

Thứ sáu, 03/02/2017 22:09
(ĐCSVN) – Chiều 3/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra một số đoạn đê, kè và dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố (Trạm bơm Yên Nghĩa). Cùng đi có lãnh đạo HĐND, UBND thành phố.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thị sát đoạn kè tả ngạn gần cửa sông Đuống.

Đồng chí Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra khu vực cửa sông Đuống; khu vực kè Thanh A; cuối kè Tình Quang; dự án trạm bơm Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố (Trạm bơm Yên Nghĩa).

Tại các nơi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nghe báo cáo tình hình đảm bảo an toàn đê, kè sông và tiến độ dự án trạm bơm Yên Nghĩa.

Dự án trạm bơm Yên Nghĩa giai đoạn I có tổng mức đầu tư hơn 3.916 tỷ 490 triệu đồng. Đây là một trong 52 công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua tại Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 06/12/2016. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện, đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, dự kiến khu đầu mối sẽ cơ bản hoàn thành đưa vào phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão, úng ngập trong năm 2018, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào vận hành phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão, úng ngập, phát huy hiệu quả đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét bố trí vốn còn lại cho Dự án là 2.800 tỷ đồng (không bao gồm chi phí dự phòng) trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó năm 2017 đề nghị bổ sung kế hoạch vốn là 494 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban quản lý dự án trạm bơm Yên Nghĩa, đồng chí Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của các nhà thầu, đơn vị thiết kế, khắc phục khó khăn, đảm bảo tiến độ dự án 2 công trình trọng điểm cấp bách của ngành nông nghiệp.

Phân tích tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đồng chí nhấn mạnh, với khả năng tiêu úng như hiện nay, “thành phố sẽ mất ăn mất ngủ mỗi khi mùa mưa đến”. Do đó, Bí thư Thành ủy cho rằng, “chưa xong mấy trạm bơm này thì chưa thể yên tâm với Hà Nội” và yêu cầu không được phép để diễn ra tình trạng ngập nặng, điển hình như năm 2008; giao UBND thành phố phối hợp xem xét việc điều chỉnh dự án và ưu tiên bố trí đủ vốn, đảm bảo hiệu quả dự án và xác định tiến độ dự án theo mục tiêu đáp ứng yêu cầu tiêu nước mùa mưa năm 2018.

Cùng với đề nghị điều chỉnh xây dựng kênh La Khê theo công nghệ mới, Bí thư Thành ủy đồng tình với việc tiến hành đồng thời giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cải tạo hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố. Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn lao động của công trình. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền và chính sách GPMB theo đúng quy định để đảm bảo sự đồng thuận của người dân.

* Sáng cùng ngày, đồng chí Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND đã tới thăm, động viên cán bộ, công nhân lao động Công ty Dệt kim Đông Xuân nhân dịp đầu năm mới.

Chúc mừng kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty Dệt kim Đông Xuân và Tập đoàn Dệt may Việt Nam những năm qua, đồng chí Hoàng Trung Hải khẳng định, qua 20 năm hình thành và phát triển, với vai trò là hạt nhân phát triển ngành dệt may, Vinatex đã góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế. Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tạo công ăn việc làm cho 130 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân đạt gần 7 triệu đồng/tháng, gấp 1,5 lần thu nhập bình quân của ngành. Là một thành viên của Tập đoàn, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân từ một nhà máy dệt kim ban đầu với 380 lao động, sản xuất hàng năm đạt 1 triệu sản phẩm, đến nay đã trở thành công ty có 4 xí nghiệp thành viên với dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại, sản xuất hàng năm 15 triệu sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Công ty đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm trong nước cũng như quốc tế, với 95% sản phẩm được xuất khẩu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ vui mừng khi biết rằng, công nhân của Công ty Dệt kim Đông Xuân đã đáp ứng được yêu cầu hội nhập, làm chủ máy móc, kỹ thuật, sản xuất được những sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao. Đặc biệt, Công ty là đơn vị đầu tiên trong Tập đoàn thực hiện được chuỗi giá trị sản phẩm ODM (hình thức xuất khẩu cao nhất). Không chỉ hoàn thành tốt các mục tiêu sản xuất kinh doanh, công ty còn tích cực tham gia hoạt động xã hội từ thiện, đóng góp cho các phong trào của thành phố.

Lưu ý về những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với ngành dệt may trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Bí thư Thành ủy mong muốn, cùng với nỗ lực vượt bậc, sự đổi mới quyết liệt của lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động Công ty Dệt kim Đông Xuân sẽ đồng lòng, chia sẻ để đưa công ty tiến lên những nấc thang cao hơn, sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần thực hiện chiến lược đưa Hà Nội trở thành trung tâm thời trang.

Đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, để Hà Nội trở thành trung tâm thời trang, cùng với cơ chế, chính sách của thành phố, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất lớn từ các doanh nghiệp dệt may. Đồng chí mong muốn Đảng bộ Công ty Dệt kim Đông Xuân quan tâm, làm tốt công tác xây dựng Đảng, nhất là phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Công ty cần đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng quy trình công nghệ mới; rà soát, tiết giảm chi phí, đồng thời chú trọng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực. Mọi hoạt động đều phải hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, sản xuất ra những sản phẩm sáng tạo hơn, cạnh tranh hơn./.

HH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực