Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TH)
Ngày 24/9, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2018 nhằm tập trung thảo luận, đánh giá 2 nội dung: Kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 31/5/2017, của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và Kết quả khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.
Theo đánh giá, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường đã được đẩy mạnh. Năm 2017, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra, thanh tra gần 2,6 nghìn cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 751 cơ sở với số tiền gần 18,5 tỷ đồng. Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thanh, kiểm tra 468 cơ sở, xử phạt hành chính 21 cơ sở với số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng của Thành phố đã kiểm tra, thanh tra tại 681 cơ sở, xử phạt 159 cơ sở với số tiền trên 5,1 tỷ đồng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải sinh hoạt nội đô và hệ thống cấp nước sạch khu vực nông thôn còn chậm, chỉ tiêu đến năm 2020 cung cấp nước sạch đến 100% hộ dân khu vực nông thôn khó hoàn thành; việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, từng bước làm sống lại sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy chưa đáp ứng yêu cầu; việc di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch gặp nhiều khó khăn…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, tình hình đảm bảo vệ sinh môi trường của thành phố đã có nhiều chuyển biến bước đầu đáng ghi nhận, xử lý kịp thời nhiều vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, tồn tại, hạn chế vẫn còn nhiều. Trong đó, ý thức bảo vệ môi trường của xã hội nói chung, của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến việc xả rác không đúng nơi quy định, không tôn trọng môi trường sống chung. “Rác thải sinh hoạt tại một số nơi tồn đọng nhiều ngày chưa được thu gom kịp thời. Các đồng chí cứ nói thu gom 98%, nhưng không biết lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện có đi kiểm tra không, thực tế còn tồn đọng nhiều lắm, đặc biệt là thứ Bảy, Chủ Nhật, ngày nghỉ, cứ tấp vào đấy thôi”, Bí thư Hoàng Trung Hải nói. Do đó, đồng chí yêu cầu phải tăng cường kiểm tra, những đơn vị nào không đảm bảo yêu cầu phải xử lý nghiêm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá, việc triển khai thực hiện các dự án về môi trường nhìn chung tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý ô nhiễm, cải tạo chất lượng nước sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy còn chưa được chú trọng. “Đầu tư theo hình thức BT là khó khăn, bây giờ sẽ phải chuyển sang hình thức sử dụng vốn đầu tư công. Vì đây là nhiệm vụ cấp bách, không thể chờ được nữa”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Hiện nay, toàn Thành phố còn 113 cơ sở ô nhiễm, tới đây phải kiên quyết di dời, Bí thư Thành ủy yêu cầu. Rồi bụi tại các công trình xây dựng, phải tăng cường kiểm soát, xử phạt các đơn vị vi phạm, gắn với phun nước để giảm bụi.
Nhấn mạnh một số giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tiếp theo, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị các quận, huyện, sở ngành phải tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải thấy được trách nhiệm của mình trong vấn đề này để chỉ đạo; chi tiết hóa các kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, kiểm tra thường xuyên để xử lý.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)
Cùng với đó, HĐND các cấp tăng cường giám sát về nhiệm vụ này. Tiếp tục làm quyết liệt hơn chương trình tuyên truyền bỏ bếp than tổ ong, đặc biệt là cấm sử dụng than tổ ong trong các khu chung cư, tiến tới ngừng toàn bộ sử dụng than tổ ong trên địa bàn Thành phố, trước hết là các quận nội thành.
Đề cập đến kết quả công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nêu rõ, hơn 1 năm thực hiện Kế hoạch 125 của UBND TP, nhìn chung công tác này đã có sự chuyển biến tích cực. Bằng chứng rõ nhất là số công trình vi phạm về trật tự xây dựng đã giảm mạnh.
Để đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị UBND Thành phố khẩn trương phê duyệt, bàn giao các quy hoạch để thực hiện. Đồng thời, cần đẩy nhanh xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc để làm công cụ quản lý lĩnh vực này.
Vấn đề nữa là phải sớm triển khai quy hoạch cải tạo các chung cư cũ. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, đây là lĩnh vực rất khó, vướng nhiều cơ chế chính sách, thế nên muốn thực hiện được cần phải mạnh dạn đề xuất, cần thiết thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác giám sát đầu tư xây dựng theo giấy phép quy hoạch và giấy phép xây dựng. Phải phát hiện sớm các vi phạm để xử lý kịp thời ngay từ những “viên gạch đầu tiên”, không để thành “sự đã rồi” thì xử lý rất khó khăn, thậm chí để lại gánh nặng cho nhiệm kỳ sau. Muốn làm được như vậy thì đòi hỏi các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, cấp xã phường phải rất sâu sát, vào cuộc quyết liệt để nắm tình hình.
Ngoài ra, người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác tập huấn, các sở, ngành phải nắm lực lượng quản lý của mình để xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn cán bộ theo ngành dọc…/.