Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ về tình hình cũng như đặc điểm công nhân lao động trên địa bàn tỉnh?
|
Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân. |
Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Bình Dương là tỉnh công nghiệp, hiện có 29 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút lượng lớn công nhân lao động từ khắp các tỉnh/thành phố trong cả nước về đây làm việc, lập nghiệp và sinh sống.
Hiện tại, tổ chức công đoàn tỉnh Bình Dương đang quản lý 16 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm: 09 LĐLĐ huyện, thành phố, 04 Công đoàn ngành và 03 công đoàn khu công nghiệp. Bình Dương hiện có 1,2 triệu công nhân viên chức lao động, với 4.121 công đoàn cơ sở, 794.100 đoàn viên công đoàn/842.212 công nhân lao động. Với số liệu nêu trên, Bình Dương là tỉnh có đông công nhân lao động thứ 2 cả nước.
Phần lớn cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh là lao động phổ thông, tuy nhiên số lao động có kỹ năng và lao động quản lý đang tăng lên nhờ các chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Bình Dương là tỉnh có bình quân thu nhập cao nhất cả nước, tùy thuộc vào ngành nghề, vị trí, năng suất lao động thì mức lương, mức thu nhập của công nhân Bình Dương vẫn khá ổn định so với các tỉnh thành khác.
Do công nhân lao động từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống và làm việc, dẫn đến một số vấn đề an sinh xã hội cần phải được tập trung quan tâm như nhà ở, trường học, nơi khám chữa bệnh… cũng như tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thời gian qua, các cấp Công đoàn Bình Dương luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng các chương trình công tác trong đó có các nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, pháp luật trong đời sống xã hội cho công nhân lao động, tuyên truyền công tác sâu rộng về việc phòng, chống những thành phần xấu trà trộn vào trong công nhân lao động...
Tuy nhiên, đa số công nhân lao động đều còn thuê nhà trọ, điều kiện sống còn nhiều hạn chế, nhu cầu nhà ở, dịch vụ xã hội tăng cao; các vấn đề sức khỏe của người lao động vẫn chưa được quan tâm đúng mức; Cạnh tranh việc làm ngày càng gay gắt, do nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng cao, trong khi người lao động phổ thông khó tìm được việc có thu nhập ổn định thì ngược lạ người lao động có trình độ chuyên môn cao lại thiếu, khó tuyển dụng.
Phóng viên: Như đồng chí vừa nói là tỉnh có số lượng công nhân lao động lớn thứ 2 cả nước, thời gian qua, công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn Bình Dương thực hiện như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Công đoàn Bình Dương có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Đẩy mạnh công tác phối hợp thực hiện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, nhất là lao động nữ, lao động yếu thế.
Các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động từ tinh thần đến vật chất, chú trọng nhóm đối tượng lao động bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, công nhân xa quê, ở trọ... Tập trung quan tâm công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, công nhân lao động được thực hiện tốt. Các hoạt động thương lượng, đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở doanh nghiệp, tư vấn, hỗ trợ pháp lý... góp phần bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động, tăng cường mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định giữa người lao động và người sử dụng lao động. Các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công đoàn viên, người lao động luôn được xem là vấn đề hàng đầu, được các cấp công đoàn trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
|
Trao quà của tổ chức Công đoàn Bình Dương cho công nhân lao động |
Tổ chức Công đoàn luôn chú trọng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, các ngành chức năng và các địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong công nhân lao động và người sử dụng lao động. Đặc biệt, chúng tôi áp dụng hiệu quả các trang mạng xã hội do tổ chức công đoàn thành lập và quản lý, tuyên truyền sâu rộng đến hàng trăm nghìn công nhân, đoàn viên, người lao động.
Các cấp công đoàn Bình Dương không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đề xuất, tổ chức những hoạt động, chương trình chăm lo cho công nhân lao động, mang lại nhiều lợi ích như: “Mái ấm Công đoàn”, “Chuyến xe Xuân - Chuyến tàu Xuân nghĩa tình”, “Tết Sum vầy”, “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình”, các hoạt động “Tháng Công nhân”, “Phiên chợ 0 đồng”, mới đây nhất là “Lễ cưới tập thể” cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đã tạo sức lan toả và niềm tin cho người lao động với tổ chức Công đoàn. Bình quân hằng năm, các cấp Công đoàn đã chi 350 tỷ đồng để chăm lo cho đoàn viên, công nhân lao động.
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh cũng thành lập “Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” để hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị bệnh hiểm nghèo, bị tại nạn lao động,... Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ hơn 1.200 trường hợp với tổng số tiền là 11 tỷ 463 triệu đồng giúp công nhân lao động có thêm động lực vượt qua khó khăn bệnh tật tham gia lao động sản xuất, đóng góp tích cực cho doanh nghiệp, địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện chính sách nhà ở cho người lao động, LĐLĐ tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng các dự án nhà ở xã hội, tuyên truyền rộng rãi đến đoàn viên, công nhân lao động.
Phóng viên: Tỉ lệ người lao động đến từ các tỉnh, thành trong cả nước tới Bình Dương làm việc là khá lớn kéo theo nhu cầu về nhà ở. Công đoàn Bình Dương đã và đang làm gì cũng như có kiến nghị gì để hiện thực hoá mong muốn có được chỗ ở đảm bảo cho người lao động?
Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Theo kết quả khảo sát dự báo nhu cầu nhà ở xã hội của lao động ở Bình Dương từ năm 2021 đến năm 2030, có 129.212 người có nhu cầu về nhà ở xã hội. Hiện đa số người lao động đến Bình Dương chủ yếu phải thuê nhà trọ ở các khu nhà trọ dân sinh. Họ mong muốn có thể sở hữu được căn nhà ở xã hội để có thể an cư, lạc nghiệp.
|
Theo kết quả khảo sát dự báo nhu cầu nhà ở xã hội của lao động ở Bình Dương từ năm 2021 đến năm 2030, có 129.212 người có nhu cầu về nhà ở xã hội |
Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã kiến nghị với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cần tiếp tục có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm, chăm lo cho lao động xa quê, tập trung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ưu tiên cho người lao động được tiếp cận hoặc mua với mức giá ưu đãi, có các hình thức trợ vốn để người lao động được vay tiền mua nhà ở. Khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần bố trí ở những nơi gần khu công nghiệp tập trung và có nhiều lợi ích đi kèm.
Nhận thấy tầm quan trọng của nhà ở xã hội đối với công nhân lao động, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các đơn vị sở, ban, ngành luôn quan tâm và xác định nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp. Qua đó, ngày 10/6/2024, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1696-QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở để công nhân lao động có cơ hội được tiếp cận mua, thuê nhà ở xã hội với chính sách tốt nhất về giá và trợ vốn.
LĐLĐ tỉnh đã kết nối, ký kết chương trình phúc lợi với một số các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người có thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn để có nhiều chính sách hỗ trợ về giá và hình thức, thủ tục mua, thuê nhà ở cho công nhân, qua đó góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân có thể an cư. Tính đến nay, đã có hơn 5.000 đoàn viên, người lao động mua được nhà ở xã hội, góp phần ổn định đời sống tư tưởng, yên tâm làm việc, đóng góp xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!