Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Thứ tư, 11/07/2018 21:55
(ĐCSVN) - Đây là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, sáng 11/7 tại Hà Nội.

Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc. (Ảnh: PV)

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Chính phủ giao. Cụ thể, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai đồng bộ các đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, bước đầu tạo được nhiều chuyển biến tích cực, căn bản trên hầu hết các lĩnh vực. Công tác tổ chức, cán bộ được tập trung giải quyết, xử lý về cơ bản tồn tại, khuyết điểm của những năm trước; đồng thời đã kiên quyết thực hiện kiện toàn tổ chức cán bộ theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết các Hội nghị Trung ương, dưới sự chỉ đạo điều hành chung, sâu sát, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã lãnh đạo toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đạt và vượt các kế hoạch đề ra, góp phần vào thành công chung của kinh tế cả nước” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Cụ thể, về sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khả quan với chỉ số toàn ngành đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2016 tăng 7,4% và sang năm 2017 tăng tới 9,4%, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm (tăng 7,1 - 8%) và 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng với mức tăng 10,5%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2017 (7%), trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao với mức tăng 12,7%.

Bên cạnh đó, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam những năm qua đã đạt được những kết quả ấn tượng (năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm trước và năm 2017 đạt trên 200 tỷ USD, tăng trưởng trên 21% so với năm 2016) đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, từ năm 2016 đến nay, thương mại nội địa tiếp tục giữ được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số (năm 2016 tăng 10,2%; năm 2017 tăng 10,9% và 6 tháng đầu năm 2018 tăng 10,1%), qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư trở thành trụ đỡ quan trọng, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ Công Thương. (Ảnh: P.V)

Đặc biệt, thời gian qua, Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ năm 2016, Bộ Công Thương đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ, thu gọn tổ chức bộ máy từ 35 đầu mối xuống còn 30 đầu mối, giảm từ 197 phòng xuống còn 125 phòng; cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp; xóa bỏ 420 trong tổng số 720 mã hàng phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ; cắt giảm 183 trong tổng số 508 thủ tục hành chính; triển khai 154 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng thống nhất.

Cùng với đó, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động đẩy nhanh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Báo cáo về công tác xây dựng Đảng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chú trọng thực hiện công tác xây dựng Đảng, trong đó trọng tâm là tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Năm 2017, Ban Cán sự Đảng đã phối hợp với Đảng ủy Bộ chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc tập trung kiểm điểm sâu sắc, phê bình và tự phê bình trên cơ sở đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều phải xây dựng và thực hiện kế hoạch cá nhân làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kết quả, 100% cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng cam kết, đồng thời lấy kết quả thực hiện cam kết làm một trong các tiêu chí để đánh giá, phân loại đảng viên và tổ chức đảng năm 2017 và những năm tiếp theo.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo tại buổi làm việc (Ảnh: P.V)

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, cũng như để đáp ứng được yêu cầu tổ chức quản lý trong tình hình mới, ngay từ giữa năm 2016, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã xác định công tác tổ chức cần phải có những thay đổi đột phá, tổ chức bộ máy cần được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đến nay, số đơn vị đầu mối thuộc Bộ giảm từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị; số lượng phòng giảm từ 197 phòng xuống còn 125 phòng.

Với những sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ của Bộ Công Thương giai đoạn trước năm 2016 theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Bộ Nội vụ, Ban cán sự Đảng đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện sửa đổi các quy chế, quy định về công tác cán bộ, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định của Đảng và theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch nguồn các chức danh lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ giai đoạn 2017 - 2021 và xây dựng mới quy hoạch giai đoạn 2021 – 2026, ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật… góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Khẳng đinh tầm quan trọng của Bộ Công Thương nói riêng, ngành Công Thương nói chung trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Bộ Công Thương phải có bản lĩnh chính trị, tư tưởng hết sức vững vàng, bình tĩnh, chủ động và sáng tạo để tháo gỡ khó khăn, tạo đà phát triển.

“Các đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu quan trọng của ngành được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó, đóng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bộ Công Thương cũng đã quyết liệt, hiệu quả trong công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh và trở thành Bộ tiên phong trong công tác tái cơ cấu bộ máy, đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp” – Tổng Bí thư khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã tập trung đẩy mạnh rà soát, xây dựng thể chế theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII của Đảng về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động rà soát, đề xuất giải pháp xử lý các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ, đồng thời đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt,Tổng Bí thư nhấn mạnh, thời gian qua, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã quan tâm hơn đến công tác xây dựng Đảng thông qua công tác sắp xếp, chấn chỉnh bộ máy, đổi mới lề lối làm việc, công tác chỉ đạo điều hành trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu từng cán bộ, đảng viên Bộ Công Thương và ngành Công Thương không được phép chủ quan, tự mãn mà cần tiếp tục quán triệt chỉ đạo của Đảng, phát huy thành tích, khắc phục khó khăn, hạn chế, có ý chí mới, tinh thần mới, xốc lại đội hình để tiếp tục tiến lên, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao phó.

Chỉ đạo các nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu, trước hết Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, những chủ trương có tính chiến lược của Đảng về lĩnh vực Công Thương. Đồng thời, thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới để “không chệch choạc về đường lối, không bị bất ngờ trước các tình huống xảy ra” – Tổng Bí thư lưu ý và đề nghị, trong chỉ đạo, điều hành phải nhất quán quan điểm “phát triển nhưng phải ổn định” bằng việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhưng phải đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, thay mặt Chính phủ chỉ đạo các nhiệm vụ trong thời gian tới đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ cần tập trung thực hiện vào 7 nhiệm vụ gồm: thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thông qua việc đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng (thuỷ điện, nhiệt điện, điện gió…); thứ hai, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và sản phẩm trong nước để hỗ trợ xuất khẩu; thứ ba, phát triển công nghiệp hỗ trợ vì hiện nay ngành này đang phát triển chậm hơn so với yêu cầu, làm giảm sức cạnh tranh của sản xuất trong nước; thứ tư, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, tiến tới giảm nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm ô tô; thứ năm, phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hoá trong nước; thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực