Bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Thứ năm, 23/05/2024 17:45
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề mới phát sinh, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) kiến nghị cần bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nêu rõ, cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Toà án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã quan tâm xem xét, giải quyết 2.210/2.216 (đạt gần 100%) kiến nghị của cử tri. Điều này cho thấy Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã chú trọng giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tinh thần cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra những biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành. Việc nghiên cứu tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân trong cả nước. 

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Báo cáo số 832 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế.

Từ thực tiễn tham gia công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, đại biểu nhận định, vẫn còn một số tồn tại chưa được chỉ ra như: một số cơ quan của Quốc hội còn chưa quan tâm đúng mức, chưa tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri trong việc thẩm tra, đánh giá tác động của một số dự án luật, chưa khai thác hiệu quả các ý kiến, ý nghĩa của cử tri, chưa lấy đó làm cơ sở làm căn cứ thực tiễn để xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh của các cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả giám sát chưa cao…

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: QH)

Trên cơ sở đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, UBTVQH tiếp tục hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời đề nghị nên bổ sung quy định về hình thức Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua hình thức phản hồi của cử tri về kết quả giải quyết đó, tức là quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của cử tri về những vấn đề mà họ kiến nghị có được cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định pháp luật hay không.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề mới phát sinh.Tiếp tục hoàn thiện quy định về đối tượng, phạm vi giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Đại biểu Siu Hương (Đoàn Gia Lai) cho hay, theo báo cáo đánh giá, đến nay có 2.210/2.216 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri (đạt 99,7%). Như vậy, các kiến nghị đã được giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ cao. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của cử tri, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, chuyển kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thời gian qua được Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

Giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri (Nguồn: vtvgo.vn) 

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 có nêu: Chính phủ, các Bộ, ngành vẫn còn 5 kiến nghị chưa giải quyết, trả lời và vẫn chưa nêu rõ lý do chưa trả lời, giải quyết để cử tri biết, theo dõi. Mặc dù các kiến nghị này đã quá thời gian trả lời theo quy định, trong đó Văn phòng Chính phủ chưa trả lời 1 kiến nghị, Bộ Tài chính chưa trả lời 4 kiến nghị nên đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành sớm có giải pháp giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận), việc thực hiện những kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tốt hay chưa tốt thì yếu tố quyết liệt của các cấp, các ngành, của người đứng đầu là yếu tố quyết định. Đại biểu dẫn chứng cử tri Bình Thuận rất vui mừng khi được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đầu tư xây dựng đến nay đã chính thức đưa vào hoạt động đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng có một số bất cập và cử tri phản ánh như đường gom dân sinh, đường hư hỏng do chuyển vật liệu xây dựng cao tốc. Những kiến nghị trên đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp và gửi đến Bộ Giao thông Vận tải xem xét giải quyết. Với trách nhiệm rất cao, cho đến nay những kiến nghị trên đã được xem xét cơ bản giải quyết xong.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương). (Ảnh: QH)

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) kiến nghị Quốc hội cần có Nghị quyết chuyên đề tại mỗi kỳ họp Quốc hội về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó nêu rõ giải pháp thực hiện, nhất là đối với các kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết để Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát. 

Đại biểu Xuân cho biết, bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Quốc hội đã thảo luận trực tiếp tại hội trường về vấn đề này và truyền hình trực tiếp cho cử tri theo dõi. Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5 đã có nội dung này. Tuy nhiên, với hàm lượng nội dung rất ít và rất khái quát, chưa rõ giải pháp, tiến độ thực hiện. 

Vì vậy, đại biểu Xuân kiến nghị cần thiết phải có một Nghị quyết chuyên đề sau khi Quốc hội thảo luận để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, với nội dung rõ hơn về giải pháp, về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đại biểu Xuân cho rằng, trên cơ sở Nghị quyết chuyên đề sẽ giúp cho việc triển khai thực hiện được thuận lợi, rõ ràng hơn và giúp cho đại biểu Quốc hội giám sát có chất lượng hơn trong thời gian tới./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực