Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời nhiều vấn đề “nóng” về tinh giản biên chế, bổ nhiệm người nhà

Thứ tư, 16/11/2016 19:14
(ĐCSVN) - Chiều 16/11, tiếp tục phần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời nhiều vấn đề các đại biểu đặt ra như: tinh giản biên chế; giải pháp cải cách tiền lương; tình trạng bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo hoặc bổ nhiệm ồ ạt tại một số địa phương…

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 16/11. (Ảnh: Bích Liên)

Có hay không việc phê duyệt, bổ nhiệm ồ ạt cán bộ tại các địa phương?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, các đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương  (Quảng Bình), Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) đặt vấn đề: Có hay không việc phê duyệt, bổ nhiệm ồ ạt cán bộ tại các địa phương? Giải pháp khắc phục tình trạng trên?  Đồng thời, ĐB cũng đặt câu hỏi liên quan đến việc xử lý nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng?

Trả lời câu hỏi của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Về kiểm tra toàn bộ việc bổ nhiệm cán bộ cấp phòng, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (TTCP), Bộ Nội vụ đã tiến hành  thanh tra nhà nước về mặt công vụ đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH)  tỉnh Hải Dương.

Theo Bộ trưởng, cơ quan này có 46 người trong đó có 44 lãnh đạo từ cấp phòng trở nên đúng như nguồn tin báo chí đã nêu, như vậy là thừa so với quy định. Bộ Nội vụ đã kiến nghị phải thực hiện cho đúng tiêu chuẩn chức danh cấp phòng, và phải thực hiện đúng quy trình. Đồng thời, xử lý nghiêm người tham mưu vụ việc sai phạm này.

Về thi tuyển chức vụ lãnh đạo, Bộ trưởng cho hay, Bộ Nội vụ được TTCP giao xây dựng thí điểm về tuyển chọn chức danh lãnh đạo cấp Bộ quản lý. Thời gian qua, Bộ đã kết hợp với Ban Tổ chức Trung ương trình Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có ý kiến đồng ý phê duyệt.. “Hiện nay chúng tôi đang trình đề án này lên Ban Bí thư cho ý kiến và sẽ thông qua trong thời gian tới. Chúng ta sẽ  tiến hành thí điểm tuyển chọn chức danh lãnh đạo cán bộ cấp Bộ quản lý. Đây chính là hình thức thay đổi phương pháp tuyển chọn chức danh lãnh đạo cán bộ quản lý chứ không phải thi tuyển”, Bộ trưởng nói.

Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Cụm từ “đúng quy trình” bị lợi dụng, làm "bà đỡ" cho cán bộ chọn người nhà thay chọn người tài, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp  khắc phục để lấy lại niềm tin của người dân?, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Liên quan đến việc bổ nhiệm người nhà, theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã thanh tra công vụ 9 địa phương, và đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong bổ nhiệm phải đúng quy trình, theo đúng quy định. Việc bổ nhiệm phải công khai, minh bạch; xử lý nghiêm việc lợi dụng để bổ nhiệm không đúng quy định.

Trả lời ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) về việc xử lý về đối với nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay: Ban Bí thư đã cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.  Hiện nay, theo chỉ đạo của Ban Bí thư đã giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với các cơ quan chuyên môn xem xét xử lý về mặt hành chính tương ứng, kịp thời theo quy định của Đảng, Nhà nước. Đây là vấn đề khó chưa có trong tiền lệ, do đó Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ có biện pháp xử lý, thể hiện quyết tâm chính trị “ai đó dù nghỉ hưu nhưng nếu có vi phạm thì không có chuyện hạ cánh an toàn”.

Bộ máy công chức, viên chức đông khiến ngân sách chi trả thiếu

Về vấn đề tiền lương, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nêu vấn đề: Tiền lương thiếu công bằng. Là cán bộ công chức nhưng phụ cấp ngành có, ngành không. Chính sách lương cán bộ cơ sở quá thấp nên tạo sự bất hợp lý. Tại sao cùng là cán bộ công chức như nhau mà có sự phân biệt này? Bộ trưởng đã thấy sự bất hợp lý chưa và trách nhiệm Bộ trưởng đến đâu?

Cùng quan tâm vấn đề trên, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đặt câu hỏi: Bộ trưởng cho biết căn cứ vào tiêu chí nào mà ngành nghề này, ngành nghề khác lại được phụ cấp đặc thù và mức hưởng?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: “Về vấn đề tiền lương, trong báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, bộ máy ta đông, công chức, viên chức đông nên ngân sách chi trả thiếu.  Đây là việc khó, nên tới đây sẽ thực hiện kiên quyết trong thu gọn đầu mối. Do đó, chủ trương bốn Bộ sẽ không thành lập các tổng cục để giảm bớt cơ cấu.

Về phụ cấp đặc thù có quy định khác nhau, Bộ trưởng cho hay, hiện nay trong khối đảng và các cơ quan có các mức phụ cấp khác nhau, có cơ quan có đặc thù, có cơ quan có thâm niên nên tới đây sẽ sắp xếp lại.

Trả lời câu hỏi của ĐB về các địa phương xây dựng đề án việc làm trong các cơ quan công lập, tuy nhiên, đến nay Bộ Nội vụ chưa có quyết định phê duyệt hay thẩm định nên địa phương không có căn cứ để triển khai. Vậy, Bộ có ôm đồm việc này không?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã nhận khuyết điểm. Bộ trưởng cho hay: Vị trí việc làm là việc khó với Bộ Nội vụ, và tôi đề xuất từ phiên họp Chính phủ  tháng 5/2016 là phân cấp, để các đơn vị tự quyết cơ cấu việc làm, vị trí việc làm, số lượng trong các đơn vị công lập. Trừ trường hợp tăng thêm biên chế thì xin ý kiến của Bộ Nội vụ, còn lại là Chủ tịch tỉnh quyết các nội dung trên.

Về vấn đề tinh giản biên chế theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là chủ trương lớn, thời gian qua các địa phương mới quan tâm đến giảm biên chế chứ chưa quan tâm đến việc cơ cấu lại bộ máy. Qua 2 năm thực hiện, việc giảm biên chế tiến hành còn chậm. Thời gian tới Bộ sẽ đẩy mạnh thực hiện lộ trình xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để tinh giản biên chế; thực hiện đúng quy định về giao biên chế hằng năm... Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh các giải pháp đổi mới trong việc thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ để bảo đảm tuyển chọn được người tài, ngăn chặn tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà có năng lực, trình độ kém.../.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực