Bộ trưởng Bộ TN&MT: Cần một chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các dòng sông chết

Thứ hai, 06/11/2023 18:11
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng cần một chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các dòng sông chết.

Chiều 6/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường).

Giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu?

Tham gia chất vấn, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho biết, nhiều năm qua, tình trạng nguồn nước sông Cầu (Bắc Giang) bị ô nhiễm rất nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến cuộc sống của cử tri và nhân dân một số huyện của tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh.  

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tình hình thực hiện các nội dung đã trả lời chất vấn và các giải pháp đã đưa ra. Vì sao nhiều năm qua tình trạng ô nghiễm nguồn nước này đến nay vẫn chưa được giải quyết? Và có những giải pháp nào để trong thời gian sớm nhất giải quyết được dứt điểm tình trạng này?

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cũng đặt câu hỏi giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải khi tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống thủy lợi này chưa được giải quyết triệt để, còn gặp nhiều khó khăn.

 Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chiều 6/11. Ảnh: ĐT

Nguồn gây ô nhiễm cho sông Cầu là làng giấy Phong Khê

Trả lời câu hỏi về ô nhiễm môi trường sông Cầu (Bắc Giang), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết ô nhiễm của sông Cầu có nguyên nhân từ nguồn ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê, một ngày xả thải khoảng 15.000m3 chưa được xử lý từ các cụm công nghiệp. Thời gian qua, Bộ đã thành lập tổ giám sát bảo vệ môi trường, giám sát hoạt động của làng giấy Phong Khê trong đó lựa chọn 22 cơ sở giám sát trực tiếp. Bộ đã đôn đốc tỉnh Bắc Ninh phối hợp Bắc Giang chỉ đạo các Sở để xử lý dứt điểm liên quan đến làng nghề này.

Giải pháp trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp tập trung rà soát xây dựng khu xử lý nước thải cho các khu Phong Khê 1-2, khu Phú Lâm… Bộ đề nghị tỉnh Bắc Ninh quan tâm giám sát xử lý nước thải ở đây. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục quan trắc, phối hợp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang xử lý nghiêm vi phạm. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân làng nghề chung tay với cộng đồng, cũng như huy động ngân sách và xã hội hóa trong thu gom xử lý nước thải.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải phải gánh thêm nhiệm vụ xả thải 

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trước tình trạng ô nhiễm ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành kiểm tra và nhận thấy từ một hệ thống thủy nông, hệ thống này hiện gánh thêm một nhiệm vụ nữa là nơi xả thải cho một phần của Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Theo số liệu, hiện hệ thống này một ngày tiếp nhận 450.000-500.000m3 xả thải của các địa phương. Riêng khu vực từ cống Xuân Thủy xả thải vào 260.000 m3/ngày đêm, hầu hết đến từ cụm công nghiệp làng nghề, khu đô thị và khu dân cư, trong đó nguồn thải từ khu đô thị và khu dân cư đều chưa qua xử lý ô nhiễm. Vấn đề đại biểu nêu là hoàn toàn đúng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm tình trạng này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, chiều 6/11. Ảnh: ĐT 

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện nghiêm việc ra quân kiểm tra các khu công nghiệp, vùng công nghiệp và đã xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định. Bộ cũng tiếp tục tăng cường công tác quan trắc hệ thống thủy lợi và làm việc với các địa phương, dùng các nguồn lực tiếp tục cố gắng xử lý tình trạng ô nhiễm.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay một số địa phương như Hưng Yên đã có những giải pháp xử lý, thu gom xử lý nước thải tại các khu dân cư, tuy nhiên, để đảm bảo hệ thống nước thải đô thị và nông thôn được xử lý cần rất nhiều nguồn lực, chưa kể cần có giải pháp xây dựng nhà máy xử lý và vận hành nhà máy.

Theo Bộ trưởng, với hệ thống sông Bắc Hưng Hải, cũng như ô nhiễm dòng sông Cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề xuất các cấp có thẩm quyền cần có một Chương trình mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý các dòng sông chết.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách về huy động nguồn lực xã hội hóa, huy động sự tham gia của doanh nghiệp tham gia xử lý nước thải, rác thải và gắn trách nhiệm đóng góp của các doanh nghiệp tham gia xả thải. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật; tăng cường quan trắc hệ thống Bắc Hưng Hải…

Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết những năm qua, Chính phủ có nhiều chương trình mục tiêu xử lý ô nhiễm các dòng sông nhưng hiện không còn thực hiện nữa.

“Tôi có trao đổi với Thủ tướng để tìm giải pháp khôi phục lại các chương trình mục tiêu này để phạm vi nhỏ hơn, còn nếu thành chương trình mục tiêu quốc gia như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói thì không khả thi”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Sẽ sớm triển khai thí điểm, vận hành về tín chỉ carbon

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) về việc xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn gì về việc trao đổi giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế trong khi thị trường carbon trong nước chưa được thành lập? Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, hiện Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt các nội dung này.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành thị trường carbon; Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo ban hành các nghị định liên quan đến quản lý và liên quan đến thực hiện phát thải ròng và nguyên tắc, nguyên lý công bằng đối với tiếp cận toàn cầu.

Theo Bộ trưởng, thực tế, thị trường carbon là công cụ hữu hiệu để giúp các quốc gia thực hiện mục tiêu, với vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành sẽ hoàn thiện thể chế và chuẩn bị năng lực chuyên môn, hạ tầng và các điều kiện thiết yếu; triển khai thí điểm, vận hành để thực hiện sớm nội dung về tín chỉ carbon.

Cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét

Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho biết, thời gian qua, thiên tai như sạt lở, lũ quét ở Việt Nam diễn ra với tần suất ngày càng nhiều. Với thực tế trên, đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân và các giải pháp để cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét gây ra cho cộng đồng và cho người dân?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên… khi mưa lớn sẽ gây ra sạt lở. Việt Nam là một trong sáu quốc gia bị ảnh hưởng rất lớn.

Giải pháp của Bộ Tài nguyên Môi trường trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường khả năng cảnh báo về thiên tai. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án khả năng dự báo và cảnh báo cho các địa phương. Phối hợp với các địa phương thực hiện các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở để quy hoạch, di dời dân cư, tránh ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng đến sự phát triển; đồng thời, đề xuất dự án về công trình và phi công trình để phòng chống sạt lở…/.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực