Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình về nợ đọng 15.000 tỷ đồng trong xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 04/11/2016 21:23
(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cuối năm 2015 là thời kỳ 2 khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ phát triển xây dựng nông thôn mới ở một phong trào rất cao nên dẫn đến nợ đọng nhiều. Tuy nhiên đến nay, con số nợ đọng xây dựng nông thôn mới chính xác chỉ là 12.000 tỷ đồng.

Chiều 4/11, phát biểu giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, những kết quả đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra trong quá trình giám sát Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là rất chính xác và xin tiếp thu hoàn toàn những đánh giá, nhận định như trong kết quả báo cáo giám sát đó.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường
 phát biểu giải trình trước Quốc hội chiều 4/11. (Ảnh: Đỗ Thoa)

Theo Bộ trưởng, chương trình xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp là 2 chương trình trụ cột trong việc thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua 6 năm thực hiện cho thấy, chương trình NTM là một chương trình rất đặc biệt, được thực hiện trên địa bàn chiếm 70% diện tích lãnh thổ, bao gồm gần 9.000 xã, gần 600 huyện của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Chương trình cũng được lượng hóa bằng 19 nhóm tiêu chí cụ thể. Đồng thời, đây cũng là chương trình được thực hiện trong bối cảnh diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam năm 2010.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, chương trình đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận, đáng trân trọng. Đó là sự nhận thức đồng bộ từ tất cả hệ thống chính trị, tất cả các thành phần kinh tế, nhân dân ủng hộ.

“Trong thời gian rất ngắn, chương trình đã huy động được trên 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hoàn thiện các thiết chế nông nghiệp. 5 năm qua, giao thông nông thôn đã gấp 5 lần giai đoạn trước năm 2011; 98,82% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia… Điều đó cho thấy sự quyết tâm rất lớn của cả nước trong việc thực hiện chương trình này” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, trong 5 năm qua, cả nước đã hình thành hơn 20.000 mô hình sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo nên kết quả sản xuất nông nghiệp rất rõ rệt. Thể hiện rõ nhất là năm 2016, mặc dù nước ta chịu nhiều hiện tượng thiên tai như hạn mặn, lũ lụt, song sức sản xuất vẫn rất lớn. Xuất khẩu nông sản đến thời điểm này đã đạt 26,4 tỷ USD và cả năm dự kiến có thể xuất khẩu trên 31 tỷ USD, thặng dư thương mại trên 8 tỷ USD. Thu nhập bình quân của hơn 2.000 xã NTM đã gấp 1,85 lần so với trước khi xây dựng NTM.

Từ các kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 12 điểm kiến nghị của cơ quan giám sát là rất chính xác, từ đó các Bộ, ngành Trung ương và địa phương bám sát vào đây để thực hiện cho đúng.

Mặc dù còn nhiều tồn tại, vướng mắc, song Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là chương trình liên tục, kiên trì, bền bỉ kéo dài, đòi hỏi mọi thành phần phải vào cuộc mới thành công. Bởi thực tế cho thấy, khu vực nông thôn là dư địa, là tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế, là trụ đỡ của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay. Để phát huy được hết lợi thế, tiềm năng đó đòi hỏi trong thời gian tới Chính phủ sẽ phải dành nguồn lực nhiều hơn nữa để đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, bởi nguồn lực như hiện nay vẫn còn rất hạn chế.

Giải trình về vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận là nợ đọng trong xây dựng NTM tính đến cuối năm 2015 là 15.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đúng là có xảy ra vấn đề nợ trong quá trình xây dựng NTM vào thời điểm đoàn giám sát của Quốc hội giám sát. Khi đó 2 khu vực là đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ có câu chuyện là số xã NTM nhiều nhưng tỷ lệ nợ đọng lại nhiều đến mức như vậy, thậm chí có những tỉnh 1.600 tỷ. Tuy nhiên, ở đây có 2 vấn đề, một là đúng như đoàn giám sát đã chỉ ra là nợ; song còn một vấn đề khác là khi giám sát tại khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, cho thấy có nợ đọng nhiều. Điều này phải hiểu là, cuối năm 2015 là thời kỳ 2 khu vực này phát triển xây dựng nông thôn mới ở một phong trào rất cao. Lúc này đang là thời kỳ hoàn thiện các công trình, có nơi đang hoàn thiện thi công, có nơi hoàn thiện hồ sơ, có nơi hoàn công, thanh quyết toán các công trình. Đến nay, con số nợ chính xác chỉ là 12.000 tỷ đồng.

“Riêng Bắc Ninh 1.600 tỷ thì hiện nay cơ bản giải quyết xong và tỉnh này quyết định giai đoạn tới sẽ đầu tư tiếp 5.400 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó ngân sách tỉnh chi ra là 1.400 tỷ đồng. Đây là một động thái rất đáng hoan nghênh của tỉnh Bắc Ninh” - ông Cường nói./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực