BRICS có tiềm năng trở thành một trụ cột mới trong hệ thống đa phương

Thứ bảy, 19/10/2024 19:17
(ĐCSVN) - Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng lần này một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng tham gia các sáng kiến, cơ chế hợp tác đa phương phù hợp với nhu cầu, lợi ích của Việt Nam và đóng góp thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
“BRICS và Nam bán cầu: cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” 

BRICS là một tổ chức liên chính phủ được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Gần đây, BRICS đã mở rộng và hiện bao gồm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hiện nay, nhiều quốc gia khác cũng đang ngỏ ý tham gia BRICS.

BRICS được thành lập năm 2006[1] ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, ban đầu gồm 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, phát triển lên cấp Hội nghị thượng đỉnh từ năm 2009, kết nạp thêm Nam Phi từ năm 2010. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 tổ chức tại Nam Phi năm 2023, BRICS công bố kết nạp 06 thành viên gồm Argentina, Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Đến nay, Argentina tuyên bố sẽ không gia nhập BRICS và Ả-rập Xê-út vẫn đang cân nhắc về việc tham gia Nhóm.

Hợp tác của BRICS dựa trên ba trụ cột, gồm hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân. Các cơ chế hợp tác nổi bật gồm Hội nghị thượng đỉnh, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành, Ngân hàng phát triển mới (NDB)[2], các hội đồng/liên minh/cơ chế hợp tác chuyên ngành[3] và các cơ chế đối thoại với các nước không phải thành viên.

BRICS được thành lập với mục tiêu ban đầu là trở thành một thể chế chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu nhằm phản ánh tương quan lực lượng theo hướng công bằng, cân bằng và có tính đại diện cao hơn. Trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành, BRICS đang nổi lên có tiềm năng trở thành một trụ cột mới trong hệ thống đa phương.

BRICS hiện tập trung vào một số định hướng hợp tác và phát triển, gồm: Thúc đẩy quá trình mở rộng thành viên nhằm mở rộng quy mô và ảnh hưởng của Nhóm trên phạm vi toàn cầu. Nghiên cứu thúc đẩy thể chế hóa cao hơn (ví dụ như thành lập cơ quan thường trực – Ban Thư ký BRICS). Củng cố, mở rộng vai trò, ảnh hưởng của Ngân hàng NDB. Thúc đẩy các giải pháp giảm sự phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ và hệ thống tài chính – tiền tệ phương Tây, xây dựng hệ thống thanh toán nội khối…Mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, hình thành một hệ thống riêng, phân tách với các hệ thống do Mỹ và phương Tây dẫn dắt: Chuỗi cung ứng BRICS, hợp tác công nghệ mới, hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, nền tảng thị trường chung (FTA BRICS), xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, xã hội, thúc đẩy thương mại đa phương, đầu tư, chống biến đổi khí hậu...

Trong khuôn khổ BRICS, có một số cơ chế tham gia dành cho các nước không phải thành viên BRICS: Tham gia Ngân hàng NDB; Tham gia các diễn đàn/đối thoại trong khuôn khổ BRICS mở rộng với tư các nước khách mời như Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS mở rộng và một số hội nghị, đối thoại về các lĩnh vực cụ thể (an ninh, phát triển đô thị,…).

Năm 2024, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của BRICS, Nga đã lên kế hoạch tổ chức khoảng 250 hoạt động, hội nghị, diễn đàn tại 15 thành phố của Nga trong năm nay. Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay là Hội nghị lần thứ 16 nhưng là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên sau khi BRICS mở rộng với 10 thành viên, là sự kiện đối ngoại quy mô lớn nhất được tổ chức ở Nga trong những năm gần đây.

Với chủ đề “BRICS và Nam bán cầu: cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng sẽ tập trung trao đổi về hợp tác giữa các nước BRICS và Nam bán cầu trong giải quyết các vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế, trong đó có tình hình khu vực và quốc tế, phát triển bền vững, an ninh lương thực và năng lượng. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp với sự nổi lên gay gắt của nhiều thách thức, đòi hỏi các nước tăng cường phối hợp để ứng phó hiệu quả.

Nga với tư cách là Chủ tịch luân phiên của BRICS, ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong ba lĩnh vực chính gồm chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính và văn hóa - nhân văn theo phương châm “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng” nhằm mục tiêu tăng cường vai trò của BRICS như một trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng, nâng cao vai trò của BRICS trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. 

Nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, từ ngày 23-24/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga. Đây là hoạt động cấp cao quan trọng của BRICS và các nước đối tác trong năm, với sự tham dự của lãnh đạo hơn 30 nước, cùng nhiều khách mời là đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động đối ngoại cấp cao có ý nghĩa quan trọng, khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị lần này cũng chuyển tải thông điệp của Việt Nam về việc ủng hộ vai trò của các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa phương, trong đó có BRICS, hoạt động trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp quốc tế, đề cao tiếng nói, tính đại diện của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu cũng như trong giải quyết các thách thức chung, góp phần xây dựng một trật tự thế giới đa cực và công bằng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và toàn thế giới.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có kế hoạch hội kiến, gặp gỡ, tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao các nước, Lãnh đạo các tổ chức quốc tế khác để trao đổi sâu rộng, toàn diện các biện pháp tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm, rà soát việc thực hiện các thỏa thuận, đưa hợp tác giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng sâu sắc, hiệu quả và thực chất, đóng góp chung vào phát triển, ổn định của khu vực và trên thế giới.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng trong thời gian Nga đảm nhiệm cương vị Chủ tịch BRICS còn phát đi thông điệp về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Liên bang Nga, là sự tiếp nối và phát huy hiệu quả mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đã được xây dựng và củng cố qua nhiều thập kỷ, dựa trên nền tảng của sự tin cậy, hợp tác bền vững và tôn trọng lẫn nhau.

Trong khuôn khổ Hội nghị, dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cuộc gặp chính thức với Lãnh đạo cấp cao, cũng như các đối tác, các tập đoàn kinh tế lớn của Liên bang Nga. Đây là dịp để hai bên thúc đẩy triển khai kết quả các chuyến thăm và tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua, nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Putin (20/6/2024), cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng thống Putin (8/8/2024) cũng như chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (8-10/9/2024).

Lãnh đạo hai nước sẽ tập trung trao đổi về những phương hướng lớn trong hợp tác song phương trong thời gian tới cũng như trao đổi những vấn đề cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng, dầu khí, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga ngày càng phát triển, cả về bề rộng lẫn chiều sâu, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga vào đầu năm 2025.

Việc Thủ tướng Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và BRICS, trước hết là cơ hội để thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các quốc gia thành viên và đối tác của BRICS, đồng thời cho phép tiếp cận với các cơ chế, nguồn lực dồi dào, thị trường rộng lớn của BRICS phục vụ cho các mục tiêu phát triển đất nước, cũng như cơ hội phối hợp nỗ lực trong giải quyết các vấn đề cấp bách của chương trình nghị sự toàn cầu.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng lần này một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng tham gia các sáng kiến, cơ chế hợp tác đa phương phù hợp với nhu cầu, lợi ích của Việt Nam và đóng góp thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.


 
[1] Ý tưởng thành lập BRICS được Nga khởi xướng tại cuộc gặp của lãnh đạo 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc bên lề HNTĐ G8 mở rộng tại St. Petersburg tháng 7/2006. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRIC đầu tiên diễn ra nhân Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2006; Hội nghị thượng đỉnh BRIC đầu tiên diễn ra tại Ekaterinburg, Nga tháng 6/2009. Nam Phi lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 3 tại Tam Á, Trung Quốc tháng 4/2011.

[2] Ngân hàng NDB được thành lập năm 2015, có tổng vốn điều lệ là 100 tỉ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 41 tỉ, Nga, Brazil và Ấn Độ mỗi nước 18 tỉ, Nam Phi 5 tỉ USD. NDB đặt trụ sở tại Thượng Hải, Chủ tịch hiện là Bà Dilma Rousseff, Cựu Tổng thống Brazil, với nhiệm kỳ 5 năm (2023-2028). NDB tập trung vào nhu cầu của các quốc gia thành viên với khoảng 100 dự án trị giá hơn 32 tỉ USD về năng lượng sạch, giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường, phát triển đô thị… Năm 2021, NDB kết nạp 4 thành viên mới: Bangladesh, Ai Cập, UAE và Uruguay.

[3] Hội đồng kinh doanh BRICS, Liên minh doanh nghiệp nữ BRICS, Nền tảng hợp tác nghiên cứu năng lượng BRICS, Hội đồng học giả BRICS, Mạng lưới các đại học BRICS, Ủy ban hỗn hợp hợp tác vũ trụ BRICS (Nga mời các nước BRICS thành lập trạm vũ trụ mới)…

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực