Đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì Hội nghị.
Hội nghị thu hút hơn 400 nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực an toàn giao thông đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, học viện, bệnh viện trong và ngoài nước. Ngoài ra còn có đại diện của các tổ chức Quốc tế có trụ sở tại Việt Nam như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), các cơ quan thuộc Liên hợp quốc, các Đại sứ quán; các tổ chức phi chính phủ về An toàn giao thông có văn phòng ở Việt Nam...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Những năm qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rõ rệt, tai nạn giao thông đã liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn đã từng bước được khắc phục. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015, số người chết do tai nạn giao thông đã giảm trên 12.500 người so với giai đoạn 2006-2010; tai nạn giao thông trong năm 2016 vẫn tiếp tục được kéo giảm. Trong kết quả chung này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban ATGT Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học về an toàn giao thông đến từ các trường Đại học, Cao đẳng, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.
Tuy vậy, theo Phó Thủ tướng, tình hình trật tự, an toàn giao thông ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông còn ở mức cao, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, các trục giao thông chính và các đầu mối giao thông trọng điểm còn diễn biến khó lường. Mỗi ngày, vẫn còn 24 người chết và gần 60 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời do TNGT...
Thực tế này đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng văn hoá giao thông… để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hướng tới một hệ thống giao thông an toàn và thân thiện. Trong đó, nhiệm vụ tìm ra được những giải pháp khoa học, thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, chính trị và xã hội ở Việt Nam được đặt trên vai các nhà khoa học, các chuyên gia. "Kinh nghiệm của các nước phát triển, sự đồng hành giữa các nhà khoa học cùng chính phủ và các doanh nghiệp luôn là mô hình được vận hành hiệu quả trong việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tiễn các công trình nghiên cứu khoa học phục vụ ATGT. Đây cũng chính là mục đích của việc Uỷ ban ATGT Quốc gia thành lập Diễn đàn an toàn giao thông Việt Nam và tổ chức Hội nghị thường niên các nhà khoa học từ năm 2012 đến nay" – Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị thảo luận: Đề xuất các công trình nghiên cứu cơ bản hỗ trợ cho việc sửa đổi bổ sung hoàn thiện Luật Giao thông đường bộ và các quy định pháp luật về bảo đảm TTATGT. Đề xuất các công trình nghiên cứu ứng dụng Công nghệ thông tin trong bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2016-2020; trong đó trọng tâm là việc hoàn thiện hệ cơ sở dữ liệu về trật tự ATGT, cơ chế phối hợp và chia sẻ giữa các đơn vị có liên quan, mô hình quản lý vận hành hệ dữ liệu quốc gia về ATGT. Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp toàn diện nâng cao an toàn giao thông cho người nhóm người dễ bị tổn thương (đi xe đạp, xe máy, đi bộ), và nhóm người bị yếu thế trong xã hội (người già, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em). Các nghiên cứu nâng cao hiệu quả tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, đặc biệt là hoạt động kiểm soát tải trọng xe, nâng cao an toàn cho kết cấu hạ tầng giao thông.
Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu đã thảo luận về 08 chủ đề: Quản lý an toàn giao thông đường bộ; Hạ tầng và tổ chức giao thông đường bộ; Phương tiện giao thông đường bộ; Người tham gia giao thông; Ứng phó sau tai nạn giao thông; An toàn giao thông đường sắt; An toàn giao thông đường thủy nội địa; Phiên Quốc tế với nội dung “Nghiên cứu các vấn đề về bảo hiểm trong giao thông vận tải Việt Nam: những bất cập và giải pháp”.
Được biết, tại Hội nghị lần này, đã có 90 công trình nghiên cứu khoa học tham dự, trong đó 67 công trình đã được chọn để trình bày tham luận và 42 công trình có hàm lượng khoa học cao đã được hội đồng khoa học lựa chọn để công bố thành công trình khoa học trên Tạp chí giao thông vận tải, số đặc biệt về an toàn giao thông.
So với các năm trước, Hội nghị ATGT Quốc gia 2016 có một số điểm mới như: Hội nghị sẽ trao đổi những bất cập và kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ tại Việt Nam trong đó đặc biệt tập trung vào việc sửa đổi bộ luật Giao thông đường bộ 2008: bảo vệ an toàn cho trẻ em khi đi xe máy, ghế an toàn cho trẻ em trên ô tô, quy định thắt dây an toàn, thủ tục xử lý vi phạm, phân định rõ hơn vận tải hợp đồng-du lịch- tuyến cố định, các quy tắc tham gia giao thông trên đường cao tốc; sử dụng điện thoại khi lái xe...
Hội nghị cũng trao đổi về chủ đề xây dựng hệ dữ liệu, chia sẻ hệ dữ liệu và mô hình phối hợp sử dụng hệ dữ liệu giữa các cơ quan có liên quan, một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định đến hiệu quả xử phạt và hình thành văn hóa giao thông.../.