Các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới sáng tạo, sát cơ sở, địa phương

Thứ năm, 01/11/2018 21:51
(ĐCSVN)- Chiều 1/11, sau bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của các đại biểu về những vấn đề nóng, được đông đảo đại biểu và cử tri quan tâm. Những chất vấn khác của các đại biểu Quốc hội sẽ được Thủ tướng trả lời bằng văn bản và gửi đến từng đại biểu.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Yêu cầu mỗi thành viên Chính phủ tự rèn luyện, đổi mới sáng tạo sát dân, sát cơ sở 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đặt vẫn đề, kết quả lấy phiếu vừa qua cho thấy mức độ tín nhiệm với Thủ tướng rất cao trong khi các Bộ trưởng được đánh giá tín nhiệm cao thấp khác nhau. Kết quả cho thấy, có Bộ trưởng đã nỗ lực để khắc phục những hạn chế, giải quyết các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực điều hành của mình nhiều năm qua và việc đó đã mang lại hiệu quả. Nhưng kết quả lấy phiếu cũng cho thấy sự thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ của một số thành viên Chính phủ. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp gì thực sự mạnh mẽ hơn để bộ máy của mình hoạt động đều tay, trách nhiệm, hiệu quả hơn?.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Thủ tướng nói: “Ngón tay có ngón ngắn ngón dài nhưng đều nằm trên một bàn tay”. Cả bàn tay đó cùng chụm lại, đó chính là hình ảnh của 26 thành viên Chính phủ, trong đó có 6 Ủy viên Bộ Chính trị. "Có một câu cho rằng trăm dâu đổ đầu tằm. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực còn yếu kém" - Thủ tướng xác định.

Về giải pháp khắc phục, Thủ tướng cho rằng phải chỉ đạo, đôn đốc tốt hơn đối với các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh. Thực tế cùng một cơ chế, cùng một chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt. Ngược lại còn có sự trì trệ sai sót lớn do điều hành mà gây ra.

Thứ hai, các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tác nhất là phương pháp nêu gương, kiểm tra các cục vụ, viện và cán bộ thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Thứ ba, Chính phủ yêu cầu mỗi Bộ trưởng tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát cơ sở, sát địa phương, để không "đuổi gà qua đám giỗ", sơ sài vô trách nhiệm, sợ gian khổ.

Thứ tư, không làm được, vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp.

Thủ tướng bày tỏ: "Nhân đây, tôi muốn nói với một nước đông dân đông dân như nước ta, Chính phủ, trưởng ngành điều hành công việc rất phức tạp, rủi ro, cũng mong đại biểu Quốc hội thông cảm vì anh em phần lớn làm nhiệm kỳ đầu".

Quan tâm mạnh mẽ hơn với ứng phó biến đổi khí hậu

Trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội về các giải pháp trước tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ đã chỉ đạo tích cực, có chương trình hành động cụ thể.

Trước hết là chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi; đã bố trí nguồn lực trên 12.000 tỷ đồng cho các chương trình dự án. Nhiều tỉnh chủ động kêu gọi đầu tư xã hội hóa nguồn lực, hợp tác đầu tư; thành lập Thường trực Ban Chỉ đạo chuyên theo dõi về vấn đề biến đổi khí hậu ở khu vực này.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tác động của thiên tai, của biến đổi khí hậu là rất lớn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, quan tâm mạnh mẽ hơn, nhất là những hạ tầng ưu tiên vào những vấn đề có liên quan để phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong tình hình biến đổi khí hậu.

Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật

Đại biểu Thích Thanh Quyết đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ chính sách để các tôn giáo cùng bình đẳng phát triển. Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam có 15 tôn giáo với 42 tổ chức, có hơn 25,3 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Chưa đất nước nào có hàng vạn chùa, nhà thờ khắp đất nước, được Giáo hội phật giáo Thế giới chọn để tiến hành 3 đại hội. Ngôi chùa mới nhất là chùa Tam Chúc đang được xây dựng ở Ninh Bình.

Việt Nam, như vậy, rõ ràng là một đất nước tự do tôn giáo. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Thời gian qua, các tôn giáo đều đoàn kết trong nhân dân, có sự đóng góp của hàng triệu tín đồ. Tất nhiên còn những hiện tượng lợi dụng tôn giáo nhưng chỉ là số rất ít.

Thủ tướng khẳng định, tới nay Chính phủ đã có nhiều hướng dẫn để thi hành Luật Tôn giáo tín ngưỡng để đảm bảo một trong những quyền cơ bản của công dân, của con người, là công cụ hỗ trợ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Đã bố trí tiền để thanh toán nợ đọng của các bộ ngành

Về vấn đề nợ xây dựng cơ bản mà đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) có nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von “cháo nóng húp quanh mà nợ trả dần”. Thủ tướng cho biết, để thực hiện Luật chính sách nhà nước và Luật đầu tư công, trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đã bố trí trên 9.000 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng các bộ ngành Trung ương đã được rà soát (chốt đến tháng 12/2014).

"Chúng ta đã xử lý đúng quy định pháp luật và Chính phủ cũng như các bộ ngành thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 26 của Quốc hội. Chính phủ cũng đã trình Thường vụ Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí sử dụng quỹ dự phòng chung cho đầu tư trung hạn để giải quyết một số vấn đề về thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản đang nợ nần", Thủ tướng nói./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực