Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Thứ năm, 06/07/2023 14:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Mọi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trước nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, cán bộ được giao trách nhiệm trực tiếp. Cán bộ giữ vị trí càng cao càng phải gương mẫu.

Sáng 6/7, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị số 23).

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ Hội trường Bộ Công an (Thành phố Hà Nội) đến Hội trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tới các huyện.

Các đồng chí: Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia; Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TL.

Tình hình TTATGT còn nhiều diễn biến phức tạp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh con người, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với đảm bảo TTATGT. Năm 2003, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT. Năm 2012, tiếp tục ban hành Chỉ thị số 18 và năm 2023 ban hành Chỉ thị số 23 lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.

Qua tổng kết, đánh giá cho thấy, trong 10 năm qua, các cấp, các ngành đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp đề ra trong Chỉ thị 18, trong đó đã dành nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia, góp phần tạo chuyển biến tích cực về tình hình TTATGT qua từng năm. Nhất là trong những năm gần đây có nhiều cách làm mới quyết liệt hơn như kiểm soát nồng độ cồn, xe quá tải, quá khổ…

Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đã có chuyển biến rõ nét, số người chết, bị thương và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra giảm mạnh. Năm 2022, giảm khoảng 3.000 người chết so với năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, đã giảm 548 người chết vì tai nạn giao thông.

 Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, những chuyển biến vừa qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tình hình TTATGT còn nhiều diễn biến phức tạp, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra vẫn rất nghiêm trọng. Kết quả kiềm chế và giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết, người bị thương vẫn ở mức cao. Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, đường sắt vẫn xảy ra và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng. Ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn diễn ra thường xuyên vào giờ cao điểm trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến cao tốc, cửa ngõ vào các đô thị lớn. Bên cạnh đó,  một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT; công tác quản lý Nhà nước về TTATGT có mặt hạn chế, bất cập, chưa xác định rõ trách nhiệm trên một số lĩnh vực, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá trong công tác này.

Ngày 25/5/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.

Có thể nói, việc ban hành Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới là rất kịp thời và phù hợp với thực tiễn, qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong bảo đảm TTATGT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá các nội dung lớn: Tổng kết đánh giá, làm rõ những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư để nhân rộng. Phân tích làm rõ những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm TTATGT. Trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong thời gian tới; đồng thời thảo luận các biện pháp để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, yêu cầu mà Ban Bí thư đã đề ra trong Chỉ thị 23.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân

Tại Hội nghị, quán triệt Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ: nội dung Chỉ thị số 23 là sự kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong các giai đoạn trước đây cho phù hợp với tình hình mới; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về bảo đảm TTATGT trong cả 05 lĩnh vực giao thông, Đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải và hàng không.

Chỉ thị xác định 04 yêu cầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, đó là: (1) Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT; (2) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác bảo đảm TTATGT; (3) Hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nâng cao đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước về TTATGT; (4) Huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong bảo đảm TTATGT.

 Đồng chí Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGTQG quán triệt Chỉ thị số 23-CT/TW. Ảnh: TH.

Để đạt được những mục tiêu và yêu cầu nêu trên, Chỉ thị số 23-CT/TW xác định rõ 06 nhóm giải pháp trọng tâm sau: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT; Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông; Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT; Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

“Tôi đề nghị các bộ, ngành và UBND các địa phương tham mưu cho Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Cán sự đảng các bộ, ngành, Thành ủy, Tỉnh ủy các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của từng bộ, ngành, địa phương. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình hiện nay” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Cán bộ giữ vị trí càng cao càng phải gương mẫu trong đảm bảo TTATGT

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao ý nghĩa cũng như kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18; đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trên cả nước nhằm bảo đảm TTATGT thời gian qua.  

Đánh giá về thực tế TTATGT, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, vấn đề này đang là nỗi lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân, bởi đằng sau những con số về người chết, người bị thương là sự mất mát của nhiều gia đình: đó là trẻ em bị mồ côi cha mẹ; đó là một bộ phận người bị thương tật. Trước những thực trạng này, phải có sự quyết tâm để có giải pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, cần thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 23, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: CA.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, mọi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trước nhân dân đối với công tác bảo đảm TTATGT. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, cán bộ được giao trách nhiệm trực tiếp. Cán bộ giữ vị trí càng cao càng phải gương mẫu. Có như vậy mới có thêm động lực, tạo thêm thuận lợi cho TTATGT, đáp ứng đủ yêu cầu của Đảng, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cho rằng, phải tiếp tục quyết tâm, có giải pháp mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới để đạt được mục tiêu, yêu cầu đối với công tác bảo đảm TTATGT. Phát huy tốt hơn sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, lan tỏa mạnh mẽ hơn tinh thần, nội dung của Chỉ thị và phải tạo được sự chuyển biến tích cực, góp phần mang lại sự bình yên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Những nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị 23 cần phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trong chương trình của Quốc hội, hai luật sẽ được trình thông qua đó là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Thường trực Ban Bí thư đề nghị bổ sung chính sách của Nhà nước đối với TTATGT và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, trách nhiệm quản lý nhà nước, xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư, sự tham gia của các cơ sở giáo dục đào tạo, các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, yêu cầu tăng cường nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế; nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phối hợp hành động giữa các lực lượng.

Đề cập đến vấn nạn ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm, Thường trực Ban Bí thư cho biết, vấn đề này liên quan đến nhiều yếu tố, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo liên tục, phối hợp chặt chẽ đồng bộ, cũng như nguồn lực để thực hiện. Các địa phương phải thực hiện nghiêm việc di dời trụ sở, trường học, bệnh viện, khu sản xuất lớn ra ngoài khu vực trung tâm, phát triển phương tiện giao thông vận tải công cộng, điều chỉnh quy mô dân số hợp lý, nâng cao năng lực điều hành giao thông, ý thức chấp hành pháp luật…/.

Mạnh Hùng- Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực