Cân nhắc quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ

Thứ sáu, 24/05/2024 20:11
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đề nghị cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm của đối tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc định hướng hành vi của đối tượng.
 Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Ảnh: QH

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nhất trí với việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành, áp dụng pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đối với với việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, khi sử dụng nhằm mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người là vũ khí quân dụng, đại biểu cho rằng, cần thiết phải bổ sung quy định này như tại dự thảo luật để có căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao có tính sát thương cao để gây án.

Đại biểu cũng cho biết, tội phạm sử dụng các loại dao và phương tiện có khả năng gây sát thương tương tự dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao, trong đó nhiều vụ là các băng, nhóm đối tượng có tổ chức gây án với tính chất rất manh động, dã man, coi thường pháp luật, nhiều vụ gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Quá trình điều tra các vụ án này, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì Luật hiện hành không quy định dao, phương tiện tương tự dao là vũ khí. Vì vậy, cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm của đối tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc định hướng hành vi của đối tượng.

Quan tâm việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, đại biểu Tráng A Tủa-  Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phân tích, dao có tính sát thương cao là phương tiện lưỡng dụng được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Do đó, để không ảnh hưởng đến việc sử dụng của người dân, đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định rõ “Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”.

Về quy định về khai báo vũ khí thô sơ được quy định tại Điều 32 Dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, quy định các nội dung nhằm tăng cường quản lý vũ khí thô sơ, tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng các loại vũ khí này là cần thiết.

Tuy nhiên, ở điểm a khoản 1 Điều 32 quy định: Tập thể, cá nhân sở hữu vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo phải khai báo với Công an xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở hoặc cư trú.

Theo đại biểu, mặc dù đây là quy định kế thừa từ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và theo giải trình của cơ quan soạn thảo là Bộ Công an là trong quá trình thực hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, vũ khí thô sơ cần được khai báo có phạm vi như thế nào không được quy định cụ thể, có thể phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện. Do vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ phạm vi vũ khí thô sơ cần được khai báo.

Cũng quan tâm đến các quy định về vũ khí thô sơ, đại biểu Nguyễn Văn Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị ban soạn làm rõ nội dung này vì liên quan đến Điều 32 dự thảo Luật về khai báo vũ khí thô sơ; nếu không khai báo sẽ bị xử phạt còn nếu khai báo thì không biết khi nào là vũ khí khi nào không phải là vũ khí.

Đại biểu  Mai Văn Hải, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị dự thảo luật nên nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm nội dung về việc lợi dụng, sử dụng vũ khí thô sơ để đe doạ, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người. Nên quy định cụ thể về điều kiện, trách nhiệm người được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Về nguyên tắc, thẩm quyền việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ thì chỉ nên giao cho hai lực lượng chính là công an và quân sự. Đồng thời nên quy định cụ thể trong việc đảm bảo kinh phí cho việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đối với vũ khí, vật liệu nổ...

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, các đại biểu tập trung thảo luận sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ, sửa đổi quy định bố trí lực lượng cảnh vệ, bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ, bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ và bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao./.

 

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực