Cân nhắc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội

Thứ sáu, 25/08/2023 17:19
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chính phủ trình.

Chiều 25/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp 

Báo cáo về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 196 điều. Trong đó, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân tại dự luật nhận được nhiều ý kiến góp ý.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về vấn đề này có 02 loại ý kiến.

Cụ thể, nhiều ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA ngày 03/8/2023. Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn, làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu đối với nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp. Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và cho thuê nhà ở này.

Ở chiều ngược lại, một số ý kiến cho rằng không nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chính phủ trình. Đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cân nhắc, trao đổi thêm về vấn đề này. Theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thì các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở mới được đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua. Trong khi đó, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động. 

Vì vậy, nếu muốn quy định nội dung này trong dự luật, Chủ tịch Quốc hội gợi ý nên chỉnh lý theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công doàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng đầu tư sản xuất, kinh doanh.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô của quốc gia, liên quan đến nhiều luật, dự thảo Luật đang trình Quốc hội xem xét.

Không tán thành việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói “tổ chức chính trị xã hội không nên ôm cái này vào”. Đồng thời bày tỏ lo ngại, "nếu làm không khéo thì không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ vi phạm hết".

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ một số dự án đã gặp vướng mắc vì không có nguồn lực. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cứ làm đúng chức năng nhiệm vụ, giám sát, phản biện xã hội, tham mưu chính sách cho công nhân cho tốt, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: “Đại diện cho công nhân nhưng không phải bất cứ cái gì cũng làm, cái này nên giao cho Chính phủ, cơ quan hành chính làm”. 

Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng đề nghị cân nhắc nội dung này, cần đánh giá tác động, tính toán các mặt khi quy định vấn đề này.

Dẫn điều 10 của Hiến pháp: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…”, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, nếu quy định nội dung cũng rất phù hợp và cần thiết để khẳng định vai trò, vị thế của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Để thuyết phục các đại biểu khi quyết định, bà đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên có đề án cụ thể, rõ ràng hơn./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực