Cần thêm thời gian để dự Luật Đất đai (sửa đổi) “chín muồi”

Thứ tư, 22/11/2023 19:37
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo các đại biểu, việc Quốc hội thống nhất lùi thời gian thông qua Luật đất đai (sửa đổi) là cần thiết, để có thêm giời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, bảo đảm chất lượng tốt nhất và tính khả thi khi đi vào cuộc sống.

Sáng 22/11, với 453/459 đại biểu tán thành (chiếm 91,70% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Quốc hội thống nhất điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp 6 sang kỳ họp gần nhất.

Theo chương trình kỳ họp, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được biểu quyết thông qua ngày 29/11. Tuy nhiên, theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự Luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục được nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu. Việc rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật. Vì vậy, điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất sẽ giúp các cơ quan có thể tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TH. 

Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhận định: Việc Quốc hội thống nhất lùi thời gian thông qua Luật đất đai (sửa đổi) là cần thiết để có một dự luật chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, tránh việc không khả thi, phải sửa chữa sau khi ban hành...

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần thông qua Luật đất đai trong năm nay hoặc đầu năm tới, không thể kéo dài hơn nữa. Bởi càng kéo dài thời gian thông qua Luật này chừng nào thì những bất cập của Luật đất đai vẫn sẽ gây bất cập, khó khăn, bức xúc, ảnh hưởng đến người dân. Do đó, cần thông qua tại kỳ họp bất thường cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Theo đại biểu, có nhiều nội dung tại dự thảo luật đưa ra nhiều phương án, thậm chí có những nội dung 2-3 phương án cho nên cần phải “gút” lại để chọn một phương án hoặc nên để các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết từng phương án. Theo đó, phương án nào Quốc hội thống nhất phương án cao hơn thì sẽ chọn phương án đó. Dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến 3 lần, cùng với đó là lấy ý kiến của các chuyên gia nhưng nhiều nội dung vẫn còn các ý kiến khác nhau.

“Tôi cho rằng sự giải trình của UBTVQH cần rành mạch, rõ ràng, cụ thể và biểu quyết từng phương án để các ĐBQH chưa có điều kiện phát biểu thể hiện chính kiến, để Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, có hiệu lực thi hành đi vào cuộc sống sống, không còn bất cập”, đại biểu nêu rõ.

Cũng theo đại biểu, việc lùi thời gian thông qua Luật đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng sẽ giúp các cơ quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, đưa ra Quốc hội thảo luận để bảo đảm chất lượng, sự tập trung, thống nhất cao khi biểu quyết thông qua.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: TH. 

Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai phải làm sao đổi mới để phát huy nguồn lực đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, khắc phục những bất cập trong thời gian qua, khẳng định lại được vai trò quản lý nhà nước chặt chẽ về đất đai. Nhấn mạnh đây là nguồn tài sản công vô cùng lớn, song theo đại biểu, công tác quản lý nhà nước thời gian qua còn một số nơi lỏng lẻo nên phát sinh những vướng mắc, những vụ án, trọng án lớn của đất nước đều liên quan đến đất đai, nhà và đất.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật cần quan tâm đời sống của nhân dân khi họ bị thu hồi đất để chuyển đổi mục đích sử dụng vào mục đích khác, bảo đảm tái định cư như thế nào cho phù hợp, bảo đảm phục vụ nhân dân.

Đây là vấn đề đặt ra nên chúng ta phải sửa đổi các chế định cho chặt chẽ hơn, đặc biệt là các quy định về thu hồi đất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm giá trị bồi thường cho sát thực. Về nguyên tắc, các chế định đưa vào luật phải chặt chẽ, rõ ràng để áp dụng khả thi. Do đó, đòi hỏi Quốc hội phải đánh giá toàn diện trên cơ sở ý kiến đóng góp của toàn dân, của các chuyên gia đầu ngành, kế thừa ưu điểm từ kinh nghiệm quản lý của các nước trên thế giới.

“Tôi ủng hộ chưa thông qua dự án Luật đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định thông qua khi dự luật đủ chín muồi, chặt chẽ vì tính chất lâu dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân trong xu thế hội nhập hiện nay”, đại biểu nói./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực