Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Quang Khánh/daibieunhandan.vn)
Chiều 15/7, tại Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Thảo luận về dự án luật này, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các thành viên UBTVQH là về khung chính sách với người có tài năng.
Báo cáo về một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, một số ý kiến ĐBQH tán thành với giao Chính phủ quy định cụ thể về khung chính sách đối với người có tài năng. Một số ý kiến đề nghị bổ sung trong Luật khái niệm “người có tài năng”; bổ sung một số nguyên tắc chung trong việc xác định cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng; sửa đổi thẩm quyền quy định chính sách đối với người có tài năng tại địa phương theo hướng giao HĐND quy định.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng khái niệm về người có tài năng trong hoạt động công vụ theo hướng “người có tài năng trong hoạt động công vụ là người có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn đặc biệt, có đóng góp vượt trội cho địa phương, ngành, lĩnh vực cụ thể mà ít người đạt được”; đồng thời chỉnh lý quy định về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Đối với việc thu hút người có tài năng nói chung được ưu tiên tuyển dụng thông qua phương thức tuyển dụng quy định tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, khái niệm “người có tài năng” còn mông lung và khó khả thi. Bà đặt vấn đề, chúng ta đang quy định về người có tài năng trong hoạt động công vụ hay thu hút người có tài năng vào hoạt động công vụ? Theo bà, quy định người có tài năng cần có những tiêu chí rõ ràng, dựa theo yêu cầu tuyển dụng của từng cơ quan. Bà ví dụ, Ủy ban Tư pháp có thể tuyển chọn những học sinh ưu tú tốt nghiệp Đại học Kiểm sát, Học viện Tòa án, chuyên ngành tố tụng… Người có khả năng trong hoạt động công vụ, thì phải qua hoạt động công vụ mới xác định được năng lực chuyên môn. Còn nếu đã quy định phải có năng lực chuyên môn đặc biệt, có đóng góp vượt trội cho ngành, lĩnh vực cụ thể thì rất khó để người đứng đầu hay các cơ quan, đơn vị đánh giá, lựa chọn.
Về thẩm quyền quyết định cụ thể chính sách đối với người có tài năng, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí quan điểm cần có sự phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan tuyển dụng công chức như Chính phủ đề nghị. Một số Ủy viên UBTVQH đề nghị, Ban soạn thảo làm rõ hơn chính sách đưa người giỏi về làm việc và quyền hạn của thủ trưởng đơn vị trong đánh giá, đề bạt cán bộ, công chức.
Cũng trong chiều nay, ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương./.