Thương vong trong vụ xả súng liên tục gia tăng (Ảnh: AFP)
Bên cạnh những người bị thương do trúng đạn, nhiều người khác còn bị thương trên đường tháo chạy.
Vụ xả súng xảy ra vào khoảng 22h30 tối 1/10 tại một chương trình ca nhạc ngoài trời gần khách sạn Mandalay Bay, trong lúc ca sĩ Jason Aldean biểu diễn tại lễ hội âm nhạc ở Las Vegas, Nevada. Nghi phạm từ một căn phòng trên tầng 32 của khách sạn đã dùng súng máy nã đạn vào đám đông với khoảng gần 30.000 người bên dưới.
Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, 59 người đã thiệt mạng và 527 người bị thương, đây là vụ xả súng gây thương vong lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, vượt qua vụ xả súng hộp đêm Pulse hồi tháng 6/2016, từng khiến 49 người chết.
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm
Lực lượng cảnh sát Mỹ xác định kẻ xả súng ở Las Vegas là Stephen Paddock, 64 tuổi, người địa phương. Theo cảnh sát Las Vegas, nghi phạm Stephen Paddock đã tự sát trước khi cảnh sát xông vào phòng khách sạn của đối tượng. Họ tìm thấy ít nhất 10 khẩu súng trong phòng Paddock thuê.
Theo cảnh sát, Paddock được cho là “sói đơn độc” và hiện cảnh sát đang điều tra về thông tin của kẻ sát nhân cũng như nguyên nhân dẫn tới vụ thảm sát.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ thảm sát và cho biết Paddock đã chuyển sang đạo Hồi từ nhiều tháng trước. Kênh truyền thông riêng của IS Amaq tuyên bố thủ phạm gây ra xả súng ở buổi biểu diễn ca nhạc đêm 1/10 ở Las Vegas là một “chiến binh của IS”. “Kẻ tấn công Las Vegas là một chiến binh của IS nhằm hưởng ứng lời kêu gọi tấn công nhằm vào các nước trong liên minh chống IS” – Amaq cho biết.
Tuy nhiên, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 2/10, đặc vụ FBI Aaron Rouse cho biết Paddock không có mối liên hệ nào với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Mỹ chưa sẵn sàng thảo luận về kiểm soát súng đạn
Chỉ chưa đầy một ngày sau vụ xả súng được xem là đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ hiện đại, ngày 2/10, Washington đã đưa ra thông báo còn quá sớm để thảo luận về chính sách kiểm soát súng đạn.
Phát biểu trước giới báo chí, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định “sẽ có thời gian và địa điểm cho một cuộc tranh luận chính trị, song bây giờ là thời điểm để đất nước tỏ rõ tinh thần đoàn kết”. “Giới chức thực thi pháp luật đang tiến hành một cuộc điều tra mở về vụ xả súng, nhưng tới thời điểm này vẫn chưa xác định được động cơ của kẻ tấn công” – bà Sanders cho biết. Theo người phát ngôn Nhà Trắng, vẫn còn quá sớm để thảo luận về chính sách kiểm soát súng đạn khi vẫn chưa biết rõ toàn bộ sự thật những gì đã diễn ra.
Cũng trong ngày 2/10, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ: “Để tưởng nhớ những người đã chết, tôi ra lệnh treo cờ rủ”. Ông Trump cũng đồng thời thông báo "sẽ đi Las Vegas vào thứ Tư (4/10 – PV) để gặp các nhà chức trách thực thi pháp luật, những người đầu tiên tiến hành can thiệp, và các gia đình nạn nhân".
Trước đó, viết trên trang Twitter, Tổng thống Trump cũng đã gửi "lời chia buồn chân thành nhất của mình" tới các gia đình nạn nhân của vụ xả súng ở Las Vegas.
Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã tiến hành 1 phút mặc niệm để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã gửi "những suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng tôi đến các nạn nhân cùng gia đình họ, và những người bị thương" trong vụ xả súng đẫm máu tại Mỹ.
Tại Pháp, tháp Eiffel đã tắt đèn trong đêm 2/10 để tưởng niệm và bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân trong vụ tấn công tại Las Vegas và Marseille./.