Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước mặc niệm các anh hùng liệt sỹ. (Ảnh: vtv.vn)
Cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” đã diễn ra tại 4 điểm cầu, gồm: Khu du di tích lịch sử Quốc gia 27/7, xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội; Thành cổ Quảng Trị và Đền tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
Tại 4 điểm cầu truyền hình trực tiếp đều có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại điểm cầu Hà Nội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành uỷ TP Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu… cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và nhà nước, lãnh đạo TP. Hà Nội cùng đông đảo các mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tại điểm cầu Thái Nguyên có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cùng lãnh đạo các ban ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên cùng đông đảo nhân dân.
Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân.
Tại điểm cầu Thành cổ Quảng Trị có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cùng lãnh đạo các ban ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, cựu chiến binh của Quảng Trị.
Trước khi chương trình diễn ra, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thực hiện nghi lễ dâng hương tại 4 điểm cầu.
Chương trình cầu truyền hình đã mang tới cho khán giả nhiều câu chuyện rất đặc biệt, thực sự xúc động. Đó là câu chuyện của gia đình bà Bùi Thị Dẫn ở Kiến Thụy, Hải Phòng. Bố bà Dẫn là liệt sĩ Bùi Thế Giới, thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, không có chồng con, giờ bà Dẫn sống một mình, ước nguyện duy nhất của bà là tìm thấy hài cốt bố về để đặt cạnh mộ những người thân. Hơn 60 năm qua, không có di ảnh bố, bà thờ ông qua tấm bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương Kháng chiến. Không còn giấy báo tử của liệt sĩ nên bà không biết đi đâu để hỏi thông tin, chỉ nhớ mang máng lời bà nội dặn là bố hy sinh vào ngày 11/4 nên lấy ngày này làm giỗ hàng năm.
Màn trình diễn Dáng đứng Việt Nam do NSƯT Thanh Lam và dàn giao hưởng, dàn hợp xướng thể hiện (Ảnh: vtv.vn)
Đó là câu chuyện của 150 người lính Việt Nam tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 tại sân bay Biên Hoà, Đồng Nai.
Đó là câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn - người đã hi sinh trong những trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày tại Thành cổ Quảng Trị. Năm 1970, chàng trai trẻ Nguyễn Kỳ Sơn thi đậu vào Học viện Thuỷ lợi, khoa Thuỷ công. Tháng 9/1971, khi đang là sinh viên năm thứ 2, anh viết thư tình nguyện đi bộ đội. Anh hy sinh ngày 25/8/1972, nhưng phải 1 năm sau, gia đình mới nhận được tin buồn này. Sau đó, phải mất tới gần 40 năm, gia đình và đồng đội mới có thể tìm được hài cốt của anh.
Đó còn là câu chuyện tìm mộ liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm của cô Đặng Ngọc Cẩm. Trong nhiều năm qua, cô Cẩm vẫn luôn sống với nỗi ám ảnh về người yêu, với mong muốn tìm mộ liệt sỹ Đỗ Ngọc Lâm và liên lạc được với gia đình anh.
Bên cạnh đó, trong chương trình, khán giả đã được xem nhiều phóng sự được thực hiện tại: Điện Biên, Quảng Trị, Côn Đảo, TP.Hồ Chí Minh, Hà Giang, Đồng Nai, Quãng Ngãi, Quảng Bình...
Ngoài ra, chương trình còn có những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Chương trình thực sự là lời tri ân những đóng góp to lớn của các thương binh, liệt sĩ- những người đã hy sinh cho Tổ quốc trường tồn, đồng thời, một lần nữa khẳng định: thế hệ người Việt Nam hôm nay không bao giờ quên những công lao to lớn ấy./.