Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không”: Khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”

Thứ năm, 15/12/2022 21:57
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” đã góp phần tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Nhân Dân ta, thể hiện đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn của Đảng ta, của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không”: Khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” .

Vào những ngày này cách đây 50 năm, để tạo thế trên bàn đàm phán đế quốc Mỹ đã leo thang đưa không quân tập kích miền Bắc, với tuyên bố “Đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Song đế quốc Mỹ đã bị thất bại nặng nề, dân tộc Việt Nam lại tiếp tục ghi thêm vào trang sử hào hùng của dân tộc một “Điện Biên Phủ trên không”.

“Điện Biên phủ trên không” là cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lớn nhất từ sau đại chiến thế giới lần thứ 2. Trong cuộc tập kích này, đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng vũ khí trang bị kỹ thuật lớn chưa từng có, gồm 193 máy bay chiến lược B52, chiếm gần 50% tổng số máy bay B52 đang được sử dụng của toàn nước Mỹ; 1077 máy bay chiến thuật bằng 31% tổng số máy bay chiến thuật của Mỹ ở Đông Nam Á, hơn 15000 tấn bom đạn và hầu hết các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Trong đó mục tiêu chủ yếu được Mỹ coi là điểm tựa phòng không cuối cùng phải tập trung tấn công phá hoại là Hà Nội, Hải Phòng.

Chính Tổng thống Mỹ Ri-chớt  Ních-xơn (Richard Nixon) người trực tiếp phê chuẩn kế hoạch ném bom Hà Nội, Hải Phòng đã tuyên bố: “Bằng cuộc tập kích đường không chiến lược này chúng ta sẽ bắt Hà Nội phải quỳ gối”, sẽ đưa “Miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Còn cộng sự của ông ta là cố vấn đặc biệt Hen-ri Kít-xinh-giơ (Henri Kítxinhgiơ)cũng từng nói: “Nước Mỹ chúng ta mạnh đến mức trong vấn đề Việt Nam không có từ thất bại”.

Với đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn và nghệ thuật quân sự tài tình của Việt Nam, với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng và Bác Hồ đã sớm chỉ đạo bộ đội Phòng không - Không quân chuẩn bị tinh thần và lực lượng để đánh máy bay B.52 và các loại máy bay chiến thuật khác.

Bác Hồ đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô năm 1966. (Ảnh tư liệu)

Ngày 19/7/1965, khi đến thăm Trung đoàn pháo cao xạ 234, Bác Hồ đã căn dặn bộ đội Phòng không - Không quân: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B.57, B.52 hay bê gì đi chăng nữa, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh mà đã đánh là nhất định thắng”.

Thực hiện lời dạy của Bác và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngay từ giữa năm 1966 Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều động Trung đoàn Tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh tìm hiểu và đánh máy bay B.52. Sau đó, Quân chủng tiếp tục đưa thêm các đơn vị tên lửa, không quân cùng nhiều cán bộ vào Khu 4 để chi viện cho chiến dịch Trị-Thiên và tìm hiểu, nghiên cứu cách đánh B.52. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, không sợ hy sinh gian khổ, cán bộ, chiến sỹ Phòng không - Không quân đã lập công xuất sắc, ngày 17/ 9/ 1967 đã bắn rơi máy bay B.52 của Mỹ, tìm ra được cách đánh hiệu quả bằng các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có của ta. Từng bước hoàn thiện tài liệu “Cách đánh B52”. Đến tháng 12/1972 toàn Quân chủng đã hoàn thành phương án đánh máy bay B.52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc XHCN. Ngày 14/12/11972, khi những người cầm quyền Nhà Trắng và Lầu Năm Góc gửi công hàm cho Chính phủ ta đòi sửa đổi và trì hoãn Hiệp định Pari, tuyên bố tiếp tục mở cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, chúng ta đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, toàn Quân chủng đã sẵn sàng bước vào cuộc đọ sức mới.

Bằng sức mạnh của chiến tranh nhân dân và lực lượng phòng không ba thứ quân đã tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả miền Bắc XHCN, trong đó Bộ đội Phòng không - Không quân là lực lượng nòng cốt đã cùng với quân dân Hà Nội- Hải Phòng và một số địa phương trực tiếp đánh trả cuộc tiến công đường không chưa từng có trong lịch sử này.

Tin vào sức mạnh của tiềm lực kinh tế - quân sự, sức mạnh của bom đạn và vũ khí công nghệ cao, đế quốc Mỹ hy vọng chúng ta sẽ bị tê liệt ngay từ trận không kích đầu tiên và chỉ sau vài ba ngày Hà Nội sẽ “không còn một viên gạch lành”; “Hà Nội sẽ là một khu vực chết”, Hải Phòng và một số địa phương khác của miền Bắc Việt Nam sẽ bị san phẳng “những ai may mắn còn lại sau trận bom hủy diệt thì đó là kẻ sống sót”, và Hiệp đinh Pari sẽ được ký kết theo yêu cầu của Mỹ. Ngay từ giây phút đầu tiên vào lúc 19giờ 15 phút ngày 18/12/1972 khi hàng trăm máy bay B.52 và các loại máy bay chiến thuật được hệ thống nhiễu dày đặc bảo vệ hùng hổ lao vào đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, chúng đã bị các chiến sĩ ra đa mắt thần của chúng ta kịp thời phát hiện và thông báo, báo động từ xa. Để rồi 30 phút sau, những loạt đạn tên lửa, cao xạ đầu tiên đã bắn thẳng vào đội hình của chúng làm cho chúng phải đền tội với 6 máy bay bị bắn rơi, có 3 máy bay B.52 trong đó 2 chiếc rơi tại chỗ.

Xác máy bay B.52 bị bắn rơi lúc 23 giờ ngày 27/12/1972 tại phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. (Ảnh: Minh Trường/TTXVN) 

Bị thất bại ngay từ ngày đầu tiến hành chiến dịch, nhưng những ngày sau đó đế quốc vẫn Mỹ tiếp tục huy động một số lượng lớn máy bay B.52 vào các loại máy bay chiến thuật đánh phá ác liệt liên tục cả ban ngày và ban đêm đối với Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Chúng tập trung trinh sát, đánh phá sân bay, trận địa tên lửa, cao xạ, ra đa; đánh cả vào các vùng dân cư, đô thị, trường học, bệnh viện, đài phát thanh .v.v. làm cho hàng vạn ngôi nhà bị tàn phá, hàng ngàn người vô tội bị chết, nhiều cán bộ, chiến sĩ của chúng ta hy sinh. Bình quân mỗi ngày đêm chúng huy động tới 60 đến 70 lần chiếc B.52; 300 đến 400 lần chiếc máy bay chiến thuật. Trong đó đỉnh cao là đêm 26/12 chúng huy động tới 105 lần chiếc B.52 và hàng trăm lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội.

Sau 12 ngày đêm chiến đấn oanh liệt bằng tất cả lòng căm thù, sự dũng cảm; bằng ý chí và trí tuệ của Việt Nam, bộ đội Phòng không-Không quân, quân dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và quân dân toàn miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52, 5 chiếc F.111, diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Riêng Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi 53 máy bay các loại, trong đó có 32 máy bay B.52. Chiến công này đã làm sụp đổ hoàn toàn thần tượng bất khả chiến bại của “không lực Hoa Kỳ”, làm hoảng loạn tinh thần của những người cầm quyền nước Mỹ. Đến nỗi Ních-sơn phải thốt lên: “Nỗi sợ của chúng ta trong những ngày này không phải là do những làm sóng phản đối phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là ở mức độ tổn thất về máy bay B.52 quá nặng nề”. Để rồi, đúng 7 giờ ngày 30/12/1972 Tổng thống Mỹ Ních sơn đã phải chấp nhận thất bại, tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, tiếp tục trở lại bàn đàm phán ở Hội nghị Pa ri.

“Điện Biên phủ trên không” là trận quyết chiến có ý nghĩa chiến lược, là trận thử thách chưa từng có trong lịch sử. Chúng ta đã giành thắng lợi to lớn, toàn diện, buộc Mỹ phải chấp nhận mọi điều khoản của Hiệp định Pari về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, phải thực hiện tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải rút hết quân Mỹ về nước”.

Chiến thắng này đã góp phần tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta, để chúng ta thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” đã thể hiện đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn của Đảng ta, của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và chế độ XHCN ưu việt của nhân dân ta. Đó là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc, là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược bằng tất cả sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn. Đó là chiến thắng của sự kế thừa và phát huy truyền thống quân sự Việt Nam, của đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng trong thế trận Phòng không nhân dân, trong tổ chức hiệp đồng chiến đấu tạo thành sức mạnh tổng hợp cả trên không và mặt đất để chiến thắng kẻ thù.

Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH của nhân dân thế giới; là đòn đánh lịch sử, mở đường cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam; góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới vào chủ nghĩa đế quốc; đem lại lòng tin cho hàng trăm triệu người trên trái đất đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” mãi mãi trở thành dấu son chói lọi trong truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng đó đã trở thành truyền thống vẻ vang và mềm tin vững chắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của bộ đội Phòng không - Không quân.

50 năm nhìn lại, chúng ta càng thấy tự hào về ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng “Điện Biên phủ trên không”. Đây là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc ta trong thế kỷ XX, là trang sử vẻ vang của truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước trong thời đại mới.

Chiến thắng đó đã cho chúng ta một bài học kinh nghiệm về sự tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu; bài học về tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện; bài học về xây dựng và phát huy ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; bài học về phát huy sức sáng tạo, tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù; đó là bài học của sự quả cảm, khao khát độc lập tự do, xả thân chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội./..

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực