Chọn vấn đề nóng, đúng thời điểm để giám sát

Thứ năm, 30/05/2024 13:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, sáng 30/5.

Trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến ủng hộ chọn Chuyên đề 1 việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hải Dương), ô nhiễm môi trường đang là vấn đề rất nóng, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm; đồng thời việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm nguồn nước, không khí nói riêng, ô nhiễm môi trường ở thành thị và nông thôn gây lên tác hại lớn cho sức khỏe người dân, đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới trong các phiên thảo luận tổ, hội trường cũng như thảo luận về tình hình phát triển kinh tế và xã hội...

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hải Dương) phát biểu tại Hội trường (Ảnh: QH)

Theo đại biểu, tuy đã có 2 năm chuẩn bị kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, nhưng đến nay công tác chuẩn bị chưa được kỹ. Thực trạng này rất cần được giám sát tối cao để làm rõ những khó khăn, vướng mắc và để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

“Chính bởi vậy, nếu đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025, theo tôi là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng”, đại biểu chia sẻ.

Đại biểu cũng đề nghị năm 2025 Quốc hội tiếp tục hoạt động xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề để đánh giá sự chuyển biến sau chất vấn và giám sát chuyên đề.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách bảo vệ môi trường vào thời điểm này sẽ thể hiện sự đồng hành với Chính phủ trong việc tổ chức thực thi pháp luật, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, của mỗi người dân về bảo vệ môi trường và thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, đó là lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường, cũng như bước đầu thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế khi chúng ta đã cam kết phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050.

Đồng tình cần thiết giám sát tối cao chuyên đề về thực hiện chính sách bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị trong vấn đề môi trường phải tập trung làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến rừng và vấn đề xử lý rác thải, bởi đây là 2 nhóm vấn đề rất nhiều địa phương kiến nghị trong các phần đề xuất nội dung giám sát của đợt tới cho nên sẽ phải là những nội dung ưu tiên trong chuyên đề về môi trường.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thiên về giám sát tối cao chuyên đề 2, bởi vì đây là gốc rễ của tất cả vấn đề. Dẫn lời Bác Hồ đã nói “cán bộ là gốc của công việc, mọi sự thành bại đều do cán bộ tốt hay kém”, đại biểu nêu quan điểm, nếu chúng ta có chọn chuyên đề bảo vệ môi trường mà không giải quyết rốt ráo vấn đề cán bộ, vấn đề nhân lực thì cũng không có ý nghĩa. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị nên chọn chuyên đề này, "khi đó Nhân dân sẽ tán dương, ủng hộ, bởi vì nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay đang đặt ra một cách rất bức xúc”, đại biểu nói.

“Tôi đã từng đề nghị Quốc hội ở đầu nhiệm kỳ, đó là phải tiến hành ở phương diện tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ và trước hết cán bộ ở cấp Trung ương và rường cột ở cấp tỉnh, cấp huyện. Nếu như làm được việc này, tôi cho rằng sẽ chuyển biến rất căn bản cho cả hệ thống chính trị của nước ta”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Qua nghiên cứu các văn bản, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó Trường đoàn  ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Dương) kiến nghị Quốc hội kể từ năm 2025 trở đi, cần bổ sung báo cáo chuyên đề của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính để Quốc hội nghiên cứu thảo luận và giám sát có chất lượng hơn vấn đề này, nhất là đối với các lĩnh vực cần phải thực hiện cải cách để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025  (Ảnh: QH)

Đại biểu đặt vấn đề: Vì sao thời gian qua Chính phủ và các địa phương liên tục muốn có cơ chế đặc thù, từ đặc thù cho các công trình giao thông đường bộ, các chương trình mục tiêu quốc gia hay các địa phương đều xin cơ chế đặc thù về đầu tư, xây dựng, tài chính - ngân sách, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, biên chế bộ máy của chính quyền đô thị…phải chăng thể chế, thủ tục hành chính còn lạc hậu, nặng nề chưa theo kịp thực tiễn, làm mất nhiều thời gian và làm tăng chi phí tuân thủ, đang bó buộc sự năng động, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng, hiệu quả của hành chính nhà nước, tạo lực cản cho sự phát triển của đất nước?

Nhấn mạnh thời gian là nguồn lực quý giá của sự phát triển, đại biểu cho rằng thực tiễn đòi hỏi nước ta cần có một cuộc đại cải cách về thủ tục hành chính toàn diện, triệt để trong tất cả các lĩnh vực, nhất là đầu tư, xây dựng, mua sắm công và thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước, về phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho chính quyền địa phương.

Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực