Ngày 16/12, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII) đã khai mạc.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hội nghị lần này, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022; Chương trình công tác công đoàn năm 2023 và một số vấn đề quan trọng khác.
|
Chủ tịch Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII). |
Đề cập đến dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến vào toàn văn dự thảo Báo cáo; tập trung vào các đề xuất, kiến nghị cụ thể nêu trong Tờ trình như: Tiêu đề báo cáo; kết cấu và nội dung của dự thảo Báo cáo. Đặc biệt, cần đi sâu phân tích, làm rõ thêm những nội dung diễn biến mới trong thực tiễn nhiệm kỳ qua so với dự báo của Đại hội. Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá sát tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; chỉ rõ những nhiệm vụ nào đã được quán triệt, cụ thể hoá, thể chế hoá và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ trương nào chậm hoặc chưa được cụ thể hóa hoặc đã được cụ thể hóa nhưng chưa phát huy được tác dụng; nguyên nhân vì sao, vì nội dung nhiệm vụ đề ra chưa sát hợp với thực tiễn hay do những nguyên nhân trong quá trình tổ chức thực hiện?
Về Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung, trên cơ sở định hướng sửa đổi, bổ sung Điều lệ đã được Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn thông qua tại kỳ họp thứ 11, quán triệt sâu sắc các nguyên tắc sửa đổi, bổ sung Điều lệ, tình hình thực tiễn thực hiện Điều lệ về những vướng mắc, bất cập, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn chỉ đạo Tiểu ban sửa đổi, bổ sung Điều lệ xây dựng Dự thảo lần 01 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) trình xin ý kiến Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn.
Cùng với đó, đề nghị các ủy viên Ban Chấp hành nghiên cứu kỹ, đóng góp các ý kiến, tập trung vào các hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Công đoàn 2012, cần kiến nghị điều chỉnh những nội dung gì? Những nội dung gì cần cập nhật để đảm bảo đồng bộ tương thích với các quy định mới của Hiến pháp và pháp luật lao động, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019, các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
|
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII). |
Đánh giá kết quả hoạt động công đoàn năm 2022, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, năm 2022, sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có dấu hiệu hồi phục, một số ngành, lĩnh vực chủ yếu có bước phát triển mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức như sức ép lạm phát; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào biến động mạnh, xung đột quân sự giữa các nước lớn làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường xuất khẩu... tác động không nhỏ đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động và hoạt động công đoàn.
Trong bối cảnh đó, tổ chức công đoàn đã triển khai linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ, tích cực cụ thể hóa chủ đề hoạt động năm 2022: “Chăm lo việc làm, đời sống của người lao động; Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”, hoàn thành và hoàn thành vượt 9/11 chỉ tiêu của năm 2022.
Chương trình “Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” đã xuất sắc hoàn thành mục tiêu trước thời hạn gần 01 năm so với dự kiến. Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội công đoàn các cấp được tiến hành, đảm bảo yêu cầu đề ra theo tinh thần Chỉ thị số 13 ngày 17/01/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 179 ngày 03/3/2022 của Tổng Liên đoàn.
Những tháng cuối năm 2022, trước tình trạng thiếu đơn hàng, cắt giảm đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực nắm bắt thông tin, kịp thời phản ánh đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền các giải pháp ổn định tình hình, chủ động triển khai các giải pháp của tổ chức công đoàn tham gia ổn định tình hình lao động, tập trung hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động, đảm bảo mọi người lao động đều có Tết trong thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão đã cận kề...
Trình bày báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải thông tin, những tháng cuối năm, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giầy bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Theo báo cáo của các cấp công đoàn, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng, trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.
Trước tình hình đó, Công đoàn các tỉnh, ngành đã chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp; tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động; tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể.
Bên cạnh đó, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động đang làm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động; kết nối các công đoàn cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động...
|