Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc từ ngày 9-13/5/2019, chiều ngày 10/5, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal K P Sharma Oli (K P Xác-ma Ô-li) và Phu nhân đã đến thăm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và nói chuyện với cán bộ, học viên Học viện với chủ đề “Tình cảm của nhân dân Nepal với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam”.
Phát biểu tại sự kiện trên, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal khởi nguồn từ những điểm tương đồng về giá trị lịch sử, văn hóa Phật giáo phương Đông hài hòa và sâu lắng. Trên nhiều chặng đường phát triển của mỗi nước, Chính phủ và Nhân dân Nepal luôn dành cho Chính phủ và Nhân dân Việt Nam những tình cảm chân thành, sự ủng hộ tích cực cả trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng tặng quà lưu niệm cho Thủ tướng Nepal. (Ảnh: HM) Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngài Thủ tướng K P Sharma Oli và Phu nhân vào đúng dịp kỷ niệm 44 năm ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (15/5/1975-15/5/2019) là một biểu tượng sinh động của tình hữu nghị và mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác hiệu quả giữa hai Đảng cầm quyền, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đã giới thiệu những nét khát quát về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Học viện là trường Đảng cao cấp Trung ương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Học viện là trung tâm quốc gia đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị cho Việt Nam và một số nước bạn; Trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo và quản lý; đồng thời là trung tâm hàng đầu về tham mưu đường lối, chính sách cho Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gồm Học viện trung tâm tại Hà Nội, các học viện khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hàng năm, các đơn vị này đào tạo trên 15 nghìn cán bộ trung, cao cấp cho hệ thống chính trị Việt Nam, đồng thời quản lý khung, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng của 63 trường chính trị tỉnh, thành và 9 trường bộ, ngành với tổng số cán bộ đào tạo hằng năm hơn 200 nghìn lượt.
Học viện hiện thiết lập quan hệ với trên 200 đối tác quốc tế tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đào tạo hàng trăm nghìn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và hàng chục nghìn cán bộ, lãnh đạo, quản lý cho một số nước châu Á, châu Phi; góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam.
Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Việt Nam và Nepal là hai quốc gia đang phát triển ở châu Á, chia sẻ nhiều điểm tương đồng về vai trò của Đảng cầm quyền, về văn hóa và lịch sử, mối quan tâm chung về hòa bình, phát triển và thịnh vượng ở khu vực và thế giới. Cá nhân Ngài Thủ tướng cũng như Đảng cầm quyền và nhân dân Nepal luôn dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tình cảm chân thành, ấm áp, thắm tình hữu nghị, đặc biệt là tình cảm sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng như Trường Đảng cao cấp mang tên Người. Việc đến thăm và nói chuyện với cán bộ, học viên của Học viện lần này của Ngài Thủ tướng là một bằng chứng sinh động cho tình cảm đó.
Mở đầu buổi nói chuyện, Thủ tướng Nepal chia sẻ: Ngày hôm nay, ước mơ của ông là đến thăm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực. Học viện được thành lập như là sự tưởng nhớ đặc biệt tới nhà lãnh đạo của chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có một vị trí quan trọng trong phong trào xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc trên thế giới.
Trong buổi nói chuyện, Thủ tướng đã đặt ra một loạt câu hỏi: Vì sao thế giới lại ngưỡng mộ và ngợi ca sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến như vậy? Những đức tính nào khiến Người trở thành một nhân cách cao vời vợi, một con người mang tính chất biểu tượng? Chúng ta có thể đúc kết được những bài học gì từ cuộc đời của Người cũng như những cống hiến của Người cho đời sống xã hội nói chung?
Theo Thủ tướng Nepal, Bác Hồ là một vị lãnh đạo phi thường, làm đổi thay tiến trình lịch sử, làm cho đất nước, quê hương mình, dân tộc mình niềm tự hào, đem lại phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới một đường hướng mới. Người là tấm gương cho việc làm thế nào một nhà lãnh đạo có thể đưa đến chuyển biến cho quê hương, đất nước mình giữa muôn ngàn khó khăn, trở thành nguồn cảm hứng vô tận, thường trực cho hàng triệu người trên thế giới đấu tranh đòi quyền tự do và nhân phẩm. Người là hiện thân của sức mạnh dân tộc, lòng can đảm. Người là một vị lãnh đạo của nhân dân đã nhận được sự ủng hộ vô điều kiện để đánh bại những đội quân hùng mạnh, trở thành một biểu tượng đấu tranh chống lại sự can thiệp của nước ngoài.
Thủ tướng Nepal và Phu nhân thăm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. ( Ảnh: HM) Thủ tướng K P Sharma Oli khẳng định: Những bước chân của Người đang được hiển hiện và được nhiều người tiếp bước. Người là một nhà lãnh đạo thế giới được ngưỡng mộ tại Nepal. Có nhiều bài ca, bài thơ của Nepal đã được sáng tác để thể hiện sự kính trọng đối với người con vĩ đại của thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc cách mạng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng lớn lao đối với phong trào xã hội chủ nghĩa, ái quốc, dân chủ của Nepal.
Cá nhân Thủ tướng K P Sharma Oli cho biết, tầm nhìn, tư tưởng, những nghĩ suy của Người là nguồn cảm hứng để ông tiếp tục đấu tranh vì quyền dân chủ, quyền của nhân dân Nepal.
Thủ tướng K P Sharma Oli bày tỏ mong muốn tìm hiểu được những góc nhìn, tri thức về quá trình phát triển, chuyển đổi kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tại buổi nói chuyện, Thủ tướng K P Sharma Oli bày tỏ hy vọng, hợp tác hai nước sẽ ngày càng phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch. Bày tỏ mong muốn có thêm nhiều nhà đầu tư Việt Nam tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Nepal, Thủ tướng K P Sharma Oli khẳng định, sự tương tác giao lưu ngày càng tăng giữa hai nước sẽ đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, đem lại lợi ích cho nhân dân cả hai nước./.